Cover Image
Đóng cuốn sách này Khuyết Danh
(KhuyetDanh20.htm)
Xem tài liệu Giới thiệu
Mở thư mục này và xem nội dung Tác phẩm

LĨNH NAM CHÍCH QUÁI

Lĩnh Nam chỉ miền đất ở phía nam Ngũ Linh, nơi phát tích và sinh tụ của người Việt cổ xưa. Chích quái, nhặt nhạnh những chuyện lạ, chuyện "bất bình thường" tới mức ngòi bút chính sửđã lảng tránh không ghi chép. Hiểu một cách chung nhất, Lĩnh Nam Chích Quái là một tập sách bao gồm những câu chuyện dã sử có tính chất dân gian sưu tầm được trên đất nước ta, "không đợi khắc vào đá, chạm vào gỗ mà đã gắn ghi trong lòng dân, bia truyền nơi miệng người, từ em bé đầu xanh đến cụ già tóc bạc đều ham thích".

Người soạn thảo ra các truyện về sau được đưa vào Lĩnh Nam chích quái, theo Vũ Quỳnh, là những bậc "tài cao học rộng" đời Lý Trần, và kẻ nhuận sắc tác phẩm này là các vị "bác nhã hiếu cổ" đời Lê. Vũ Quỳnh không kê cứu được tên người soạn thảo, nhưng chúng ta có thể nghĩ tới Lý Tế Xuyên, tác giả Việt điện u linh đã đóng góp cho Lĩnh Nam chích quái thời Vũ Quỳnh ít là bốn truyện: Lý Ông Trọng, Tản Viên, Long Nhãn-Như Nguyệt, Tô Lịch. Hoặc có thể nghĩ tới Hồ Tông Thốc, tác giả Viêt Nam thế chí, đã ghi chép nhiều sự tích "quái kỳ, lờ mờ khó xét" từ đời Hồng Bàng cho đến hết đời Triệu, cùng một nội dung, tính chất và thời điểm với phần lớn truyện chép trong Lĩnh Nam chích quái. Vũ Quỳnh cũng không nêu rõ tên người nhuận sắc, nhưng Đặng Minh Khiêm, Vũ Phương Đề, Lê Quí Đôn đều nói tới một Trần Thế Pháp sống đồng thời hoặc trước Vũ Quỳnh, đã soạn lại, đứng ra là tập hợp và viết lại môt số truyện dân gian nằm rải rác trong các sách cổ, làm thành cuốn Lĩnh Nam chích quái lục.

Trên cơ sở tư liệu của những người đi trước, Vũ Quỳnh đã làm ra sách Lĩnh Nam chích quái liệt truyện gồm hai quyển, 22 truyện, và một bài tựa đề năm Hồng Đức thứ XXIII, tức 1492. Các truyện được Vũ Quỳnh sắp xếp theo trình tự như sau: Hồng Bàng, Dạ Thoa, Bạch Trĩ, Kim Quy, Tân Lang, Tây Qua, Chưng Bích, Hà Ô Lôi, Đổng Thiên Vương, Lý Ông Trọng, Nhất Dạ Trạch, Viêt Tỉnh, Từ Đạo Hạnh-Nguyễn Minh Không, Dương Không Lộ, Nguyễn Giác Hải, Ngư Tinh, Hồ Tinh, Long Nhãn-Như Nguyệt (hoặc Nhị Trưng), Tản Viên, Nam Chiếu, Man Nương-Tô Lịch và Mộc Tinh.

Khoảng một năm sau khi Lĩnh Nam chích quái liệt truyện của Vũ Quỳnh ra đời, Kiều Phú cũng hoàn thành một bản Lĩnh Nam chích quái khác, với số truyện tương đương và một bài tựa. Kiều Phú đã sắp xếp các truyện trong công trình sưu tập của mình theo một trật tự không giống với Lĩnh Nam chích quái liệt truyện: Hồng Bàng, Nam Chiếu, Tô Lịch, Kim Quy, Ngư Tinh, Hồ Tinh, Mộc Tinh, Chưng Bính, Long Nhãn-Như Nguyệt, Bạch Trĩ, Đổng Thiên Vương, Lý Ông Trọng, Tây Qua, Tân Lang, Nhất Dạ Trạch, Việt Tỉnh, Hà Ô Lôi, Dạ Thoa, Tản Viên, Man Nương, Từ Đạo Hạnh-Nguyễn Minh Không và Dương Không Lộ-Nguyễn Giác Hải.

Đến giữa thế kỷ XVI, Đoàn Vĩnh Phúc đã chép thêm vào cuối bản Lĩnh Nam chích quái liệt truyện của Vũ Quỳnh môt số truyện nữa, gọi là "loại tục", và viết một bài bạt nói rõ lý do bổ sung của mình. Ở đây họ Đoàn cho biết tác phẩm Vũ Quỳnh "kết thúc bằng truyện Dạ Thoa", nhưng điều này không lấy gì làm chắc, vì không phù hợp với thứ tự các truyện đã nêu trong bài tựa Lĩnh Nam chích quái liệt truyện.

Sang thế kỷ XVIII, Vũ Khâm Lân lại làm cái công việc mà trước đó Đoàn Vĩnh Phúc đã làm: "tục bổ" cho Lĩnh Nam chích quái. Rồi cứ cái đà ấy, cuốn sách có xu hướng trở nên một "tập đại thành" về chuyện dân gian cổ, do nhiều tay bút hữu danh hoặc vô danh ở các thế kỷ tiếp sau "tục bổ", "tục biên", "tiếm đính"...

Cho đến nay, chúng ta có tất cả 11 bản Lĩnh Nam chích quái, trong đó mười bản là của Thư viện Khoa học xã hội, mang các ký hiệu A.33, A.750 của Nguyễn Hữu Kính; A.750 của Pa-ri (Paris); A.1200; A.1752, A.2107; A.2914 VHv.1266.1473; VbN.178 (Phòng đọc hạn chế); và một bản là của Viện sử học, mang ký hiệu HV.486. Mỗi bản trưng môt bộ diện riêng, là kết quả của việc sửa chữa, thêm bớt, xáo trộn một cách hết sức tùy tiện của nhiều người qua nhiều đời, bởi quan niệm "văn chương công khí". Duy phần đầu của các bản Hv.486; VHV.1473; A.2944 (đều thuộc loại bản do Đoàn Vĩnh Phúc sao chép và có phụ thêm phần "loại tục") là còn có khả năng là gần với nguyên tác của người đời Trần nhất. Vì vậy chúng tôi đã chọn cả ba làm chỗ dựa trong khi tuyển dịch các truyện bên dưới mà chúng tôi cho là tương đối tiêu biểu về phương diện văn học của Lĩnh Nam chích quái. Bản Hv.486 gọi là Lĩnh Nam chích quái I (viết tắc LNCQ1), bản VHV.1473 gọi là Lĩnh Nam chích Quái II (viết tắc LNCQ 2); và bản A.2914 gọi là Lĩnh Nam chích quái III (viết tắc LNCQ 3). Trong việc khảo dị, chúng tôi không lấy một bản nào làm chính, mà chỉ cân nhắc giữa ba bản, chỗ nào ít sai sót và cảm thấy gần với văn phong đời Trần hơn cả thì theo.