Cover Image
Đóng cuốn sách này Hồ Quý Ly
(HoQuyLy.htm)
Xem tài liệu Tiểu sử
Mở thư mục này và xem nội dung Tác phẩm

HỒ QUÝ LY

[1336]

Tiểu sử

Hồ Quý Ly tự là Lý Nguyên, sinh năm 1336. Người ở hương Đại Lại. Tổ tiên vốn họ Hồ, nguyên ở vùng Bào Đột đất Diễn Châu, đến đời Hồ Liêm mới dời ra Đại Lại. Vì Hồ Liêm làm con nuôi của Tuyên úy Lê Huấn, nên đổi họ là Lê. Do đó mà Hồ Quý Ly, cháu bốn đời của Hồ Liêm, còn được sử sách gọi là Lê Quý Ly.

Hồ Quý Ly có hai người cô ruột đều là cung nhân của Trần Minh Tông: một người là Minh Từ, sinh ra Trần Duệ Tông. Từ quan hệ ngoại thích, Hồ Quý Ly từ từ được nhà Trần tin dùng, đặc biệt là Trần Nghệ Tông. Năm 1371, từ chức Chi hậu tứ cục chánh chưởng, Hồ Quý Ly được thăng lên chức Khu mật diện đại sứ. Ít lâu sau, được phong thêm chức Trung tuyên quốc thượng hầu... Năm 1379, thêm chức Tiểu tư không và Nguyên nhung hành Hải tây đô thống chế... Năm 1387, được phong Đồng bình chương sự, vua Trần ban cho một thanh gươm và một lá cờ đề chữ Văn võ toàn tài, quân thần đồng đức... Năm 1395, làm chức Nhập nội phụ chính Thái sư, Bình chương quân quốc trọng sự, Tuyên trung vệ quốc đại vương, đeo lân phù bằng vàng... Năm 1400, Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, tự xưng làm vua, đổi tên nước là Đại Ngu. Năm 1406, quân Minh sang xâm lược nước ta. Hồ Quý Ly tuy có tổ chức cuộc kháng chiến chống lại, nhưng căn bản vì nhà Hồ lên ngôi một cách bất chính, lại thi hành nhiều chính sách vụ lợi cho giòng họ mình trước hết, làm mất lòng dân, không đoàn kết được toàn dân, nên cuối cùng bị thất bại. Hồ Quý Ly bị quân xâm lược nhà Minh bắt đưa về nước năm 1407, cùng với con là Hồ Nguyên Trừng, Hồ Hán Thương. Không rõ mất năm nào.

Về mặt học thuật, Hồ Quý Ly có nhiều cái nhìn độc đáo so với người đương thời, nhất là chủ trương dùng chữ Nôm để dịch và giới thiệu nhiều sách kinh điển bằng chữ Hán. Theo sử chép, thì năm 1392, Hồ Quý Ly có soạn sách Minh đạo gồm 14 thiên, trong đó gọi Chu Công là Thiên thánh, Khổng Tử là Tiên sư...; cho sách Luận ngữ có một số chỗ đáng ngờ, như việc Khổng Tử ra mắt nàng Nam Tử, việc Khổng Tử ở nước Trần hết lương, việc Phất Bật gọi mà Khổng Tử muốn đến...; cho Hàn Dũ là nhà nho ăn trộm (đạo Nho); cho Chu Đôn Di. Trình Hiệu, Trình Di, Dương Thi, Lý Diên Niên, Chu Hy đều là những kẻ tuy học rộng nhưng tài kém, không chú ý đến thực tế, chuyên đánh cắp văn chương của người xưa. Ngoài ra, Hồ Quý Ly còn dịch thiên Vô dật trong Thư kinh (năm 1395), làm sách Thi nghĩa cũng phần nhiều viết theo ý riêng của mình, không theo tập truyện của Chu Hy.

Tác phẩm: hiện còn 5 bài thơ (1 bài trong Đại Việt sử ký toàn thư và 4 bài chép trong Toàn Việt thi lục).