Cover Image
Đóng cuốn sách này Lý Thường Kiệt
(LyThuongKiet.htm)
Xem tài liệu Tiểu sử
Mở thư mục này và xem nội dung Tác phẩm

LÝ THƯỜNG KIỆT

[1019 - 1105]

Tiểu sử

Lý Thường Kiệt tên thật là Ngô Tuấn; Thường Kiệt là tên tự. Sau được ban quốc tính họ Lý, bèn lấy tên tự làm tên, thành tên Lý Thường Kiệt. Khi chết có tên thuỵ là Quảng Châu. Theo các sử sách cũ thì ông quê ở phường Thái Hoà, thành Thăng Long, nhưng theo bài văn khắc trên quả chuông chùa BắcBiên, mới phát hiện ở gần Hà Nội và cuốn Tây Hồ chí thì ông người làng An Xá cũ, thuộc huyện Quảng Đức, ở khu vực phía Nam hồ Tây trong thành Thăng Long, còn Thái Hoà chỉ là nơi ở sau khi đã giữ chức vụ trọng yếu trong triều. Sau vì việc mở rộng kinh thành nên làng An Xá dời ra bãi Cơ Xá, tên cũ của xã Phúc Xá (và trong đó có thôn Bắc Biên ngày nay). Ông sinh năm 1019 và mất tháng Sáu năm Ất dậu (từ 13 tháng Bảy đến 11 tháng Tám năm 1105).

Lý Thường Kiệt tinh thông thao lược, lại có tài thơ văn. Năm 23 tuổi đã được bổ làm Hoàng môn chi hậu rồi thăng đến chức Thái uý, làm quan dưới ba triều vua nhà Lý (Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông: 1028-1128). Ông có công rất lớn trong việc xây dựng đất nước cũng như việc đánh Tống, bình Chiêm, chặn đứng các cuộc xâm lược của nước ngoài, nên được ba vua nhà Lý tin dùng và nhân dân kính phục. Lý Nhân Tông từng ban cho ông hiệu Thiên tử nghĩa đệ (em nuôi vua). Khi ông mất được tặng phong Kiểm hiệu thái uý bình chương quốc trọng sự, Việt quuốc công. Nhân dân nhiều nơi lập đền thờ, dựng bia ghi công lao của ông, tiêu biểu nhất là bài bia chùa Linh-xứng ở huyện Hà Trung, Thanh Hoá. Có thể nói đó là sự đánh giá đúng đắn của nhân dân về tài đức của Lý Thường Kiệt:

Lý công nước Việt,

Noi dấu tiền nhân.

Cầm quân tất thắng,

Trị nước yên dân.

Danh lừng Trung hạ,

Tiếng nức xa gần...

Tác phẩm: hiện còn một bài thơ thất tuyệt, một bài Lộ bố văn, và một lời cầu xin vua cho cầm quân đi đánh Lý Giác.