Cover Image
Đóng cuốn sách này Trần Tung
(TranTung.htm)
Xem tài liệu Tiểu sử
Mở thư mục này và xem nội dung Tác phẩm

TRẦN TUNG

(TUỆ TRUNG THƯỢNG SĨ)

(1230-1291)

Tiểu sử

Trần Tung là con trai Trần Liễu, anh ruột Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn và cũng là anh ruột hoàng hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm vợ vua Trần Thánh Tông. Khi Trần Liễu mất (1251), Thượng hoàng Trần Thái Tông "cảm vì nghĩa, phong cho ông tước Hưng ninh vương". Cũng như phần lớn các vương hầu thân tín của nhà Trần, trong ba cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông (1257-58;1285; 1287-88), Trần Tung đã trực tiếp tham gia cầm quân chống giặc. Dưới quyền điều khiển của Quốc công tiết chế Trần Quốc Tuấn, trong cuộc kháng chiến lần thứ hai, vào ngày 10 tháng Sáu năm 1285, khi Thoát Hoan núng thế bắt đầu rút khỏi bờ Bắc sông Hồng thì ông cùng với Hưng đạo vương đem hơn hai vạn quân đến đón đánh, kịch chiến với tướng giặc là Lưu Thế Anh và đuổi Thoát Hoan chạy dài đến sông Như-nguyệt. Và trong cuộc kháng chiến lần thứ ba, ông còn được giao những nhiệm vụ ngoại giao quan trọng, nhiều lần đến đồn trại giặc vờ ước hẹn trá hàng, làm cho quân giặc mất cảnh giác, sau đó cho quân đến cướp doanh trại giặc.

Sau ngày kháng chiến thắng lợi, tài liệu có nhắc tới Trần Tung hầu như rất ít. Hình như ông được nhận chức Tiết độ sứ, coi giữ phủ Thái-bình, nhưng chỉ ít lâu, ông đã lui về ấp Tịnh-bang, có lẽ là trang ấp được phong, dựng Dưỡng-chân trang, tiếp tục đuổi theo ham thích cũ là tham cứu đạo Phật.

Trước kia Trần Tung đã từng theo học Thiền sư Tiêu Dao, một nhân vật nổi tiếng cuối đời Lý và là học trò của Thiền sư Tức Lự. Nhưng ông tu Phật mà không hề xuất gia, không giữ đúng các phép "tam quy", "ngũ giới", và có phần chắc vẫn có gia đình như mọi vương hầu khác. Bằng trí xét đoán sắc sảo của mình, Trần Tung đã trở thành một nhà Thiền học có bản lĩnh, có lý trí, không câu nệ ở ở giáo điều sách vở, biết đập vỡ thái độ khư khư bám víu vào những khái niệm có sẵn, biết "hòa quang đồng trần". Ông được Thượng hoàng Trần Thánh Tông rất kính trọng, tôn làm sư huynh, và vua Trần Nhân Tông tôn làm thầy, mặc dầu thật ra ông không trực tiếp đào tạo ra phái Trúc lâm, mà chỉ đàm thoại với nhà vua trong nhiều năm gần gũi cũng như trong những dịp vào chầu, tham dự các kỳ lễ hội.

Sáng tác của Trần Tung được tập hợp trong bộ Thượng sĩ ngũ lục. Bộ sách gồm ba phần: phần thứ nhất là phần "ngũ lục" - những bài giảng của ông cho học trò và những công án của ông (sách gọi là "Tụng cổ"); phần này do Pháp Loa ghi lại, Trần Nhân Tông khảo đính. Phần thứ hai gồm 49 bài thơ dưới nhiều đề tài và nhiều thể loại, trong đó có một bài Tịnh-bang cảnh vật trùng với bài Đề dã thự của Trần Quang Khải và bài Tứ sơn khả hại, trùng với thơ Trần Thái Tông. Phần thứ ba gồm một bài Thượng sĩ hành trạng của Trần Nhân Tông, tám bài tán của tám nhà Thiền học phái Trúc lâm và một bài bạt của Đỗ Khắc Chung. Toàn bộ tập sách do sư Tuệ Nguyên, chùa Long-động khắc in vào năm Quý hợi, niên hiệu Chính Hòa thứ tư (1683), được khắc lại một lần nữa vào năm Quý mùi, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 24 (1763), rồi lại được sự Thanh Cừ khắc lại năm Quý mão (1903). Trong khi chờ đợi mọt sự khảo cứu văn bản tỷ mỷ hơn, chúng tôi tạm sắp xếp lại trật tự tác phẩm của Trần Tung theo các yêu cầu cụ thể đã được trình bày trong quy cách hiên soạn bộ Thơ văn Lý - Trần; loại bỏ những bài trùng với người khác, và đối với những bài thuộc phần thứ ba (tán tụng và lời bạt) thì của tác giả nào chuyển trả về cho tác giả ấy.