Cover Image
Đóng cuốn sách này Đoàn Nhữ Hài
(DoanNhuHai.htm)
Xem tài liệu Tiểu sử
Mở thư mục này và xem nội dung Tác phẩm

ĐOÀN NHỮ HÀI

(1280 - 1335)

Tiểu sử

Ông người làng Hội - xuyên, huyện Trường - tân, lộ Hồng - châu. Lúc trẻ du học ở Thăng - long. Năm kỷ hợi (1299) nhờ viết giúp vua Trần Anh Tông (1293 - 1314) tờ biểu dâng lên thượng hoàng Trần Nhân Tông (1279 - 1293) ông trở nên nổi tiếng, đang là sinh viên, được vua phong chức Ngự sử trung tán. Sau đó, được cử đi sứ Chiêm - thành lập được nhiều công trạng. Năm Quý mão (1303) trở về, được phong Tham tri chính sự. Kế đó, năm 1304 lại được thăng chức Hành khiển, trông coi cả Viện khu mật. Năm Đinh mùi (1307), vua lại sai ông vào xếp đặt trị an ở hai châu Ô, Rí. Năm Nhâm tý (1312), trong cuộc chinh phạt phương Nam do Trần Anh Tông cầm quân, Đoàn được vua cho kiêm chức Thiên tử chiêu dụ sứ và cũng đã lập công đầu. Nhưng đến năm Ất hợi (1335), Trần Minh Tông, lại thân chinh về phía Tây, bấy giờ ông đang trông coi hai đội quân Thần vũ và Thần sách, lại kiêm chức kinh lược đại sứ Nghệ - an nên được chọn làm đốc tướng chỉ huy toàn quân. Không ngờ trận đó bị mai phục, Đoàn Nhữ Hài cùng một số tướng sĩ bị chết đuối.

Đoàn Nhữ Hài là người có năng lực hoạt động về ngoại giao và về nội trị. Được phong chức Ngự sử trung tán lúc còn rất trẻ, ông đã không khỏi bị dư luận đương thời ghen ghét, mỉa mai. Người ta làm thơ để châm chọc ông:

Phong hiến luận đàm truyền cổ ngữ,

Khẩu tồn nhũ xú Đoàn Trung Tân (tán)

( Phong hiến luận bán câu cổ ngữ,

Miệng Đoàn Trung tán sữa còn hoi ).

Mặc dầu vậy, ông đã được các vua nhà Trần đánh giá đúng tài năng, đưa lên những chức vị  xứng đáng, và trong quan hệ của nhà Trần với các nước láng giềng phía Nam, ông thực sự đã góp một phần công sức quan trọng. Tất nhiên ông cũng không thể thoát khỏi những hạn chế lịch sử, chẳng hạn, tư tưởng phong kiến nước lớn, coi nước mình là văn minh, còn những nước hèn kém hơn mình là man rợ. Những hạn chế này có làm giảm vẻ đẹp của những thành tích nói trên của ông ít nhiều.

Đoàn Nhữ Hài không để lại một bài thơ nào, và bài biểu tạ nổi tiếng của ông viết thay vua Anh Tông thì cũng không thấy một bộ sử chính thức nào ghi lại. Nhưng vào đầu thế kỷ này, người ta tìm thấy trong thần tích của đền thờ ông có bài văn ấy. Do đó, mặc dầu chưa thể khẳng định dứt khoát, chúng tôi vẫn xem ông là một tác giả của văn học Lý - Trần và đưa bài biểu này vào tuyển tập thơ văn để bạn đọc tham khảo.