Khu lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Tôn Đức Thắng

KHU LƯU NIỆM THỜI NIÊN THIẾU CỦA
CHỦ TỊCH TÔN ĐỨC THẮNG

XÃ MỸ HÒA HƯNG - TP LONG XUYÊN

 

Bàn thờ tổ tiên

Di tích lịch sử Khu lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Tôn Đức Thắng: thuộc xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên. Bộ Văn hóa thông tin quyết định công nhận số 114/VH-QĐ ngày 30/8/1984

1. Ngôi nhà di tích lưu niệm thời niên thiếu Chủ tịch Tôn Đức Thắng thuộc ấp Mỹ An, xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên. Ngôi nhà này do thân sinh của Bác là cụ ông Tôn Văn Đề xây dựng vào năm 1987. Nhà được xây dựng theo kiểu nhà sàn cột chân tán, cột gỗ tràm, nền sàn lót ván, mái lợp ngói ống, diện tích 12m x 13m.

Năm 1938, người em trai thứ tư của Bác Tôn là ông Tôn Đức Nhung có sữa chữa lại một số nơi hư hỏng, thay một vài cột bị hư mục nhưng vẫn giữ nguyên hiện trạng và vật liệu xây cất ban đầu.       

Phần bên trong ngôi nhà vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật gốc như: 2 tấm ảnh bán thân của song thân Bác Tôn, một bộ ngựa gõ mà Bác Tôn thường nằm lúc còn niên thiếu, một tủ thờ cẩn ốc xà cừ, các tấm liễn đối cẩn ốc, một tấm ảnh Bác Tôn chụp năm 18 tuổi, một tấm ảnh Bác chụp ở chiến khu Việt Bắc lúc Bác làm Chủ tịch Mặt trận liên Việt gửi về tặng gia đình, phía sau tấm ảnh có ghi những dòng chữ “Kính biếu mẹ già và mấy em ngày 24 tháng 7 năm 1951”, dưới dòng chữ có chữ ký của Bác.

       

ngoi-nha-di-tich

 

Nhà di tích

Cạnh ngôi nhà về phía bên trái cách 10m, có 3 bụi tre gai do ông Tôn Văn Đề trồng lúc sinh thời để lại đến nay vẫn còn xanh tốt. Phía sau ngôi nhà cách khoảng 50m là khu mộ chí nơi an nghỉ cuối cùng của song thân Bác Tôn và vợ chồng Bác Nhung, người em trai thứ tư của Bác Tôn.

Hiện nay, ngôi nhà di tích thời niên thiếu đã qua nhiều lần trùng tu, gia cố, sửa chữa, nâng cấp nhưng nói chung về hình dáng, vật liệu xây cất buổi ban đầu đến nay vẫn được bảo tồn nguyên trạng.

2. Đền tưởng niệm

Đền thờ Chủ tịch Tôn Đức Thắng được xây dựng trên một khuôn viên rộng rãi, thoáng mát, nằm cặp bờ sông Hậu mênh mông sông nước. Diện tích mặt bằng tổng thể của Đền là 1.600m2 có dáng dấp hình vuông, riêng phần kiến trúc chính của ngôi đền được tôn cao trên nền rộng, 4 hướng đều có lối vào đền và mỗi hướng vào đều có ba bậc cấp, bậc thứ nhất có 9 cấp, bậc thứ hai có 7 cấp, bậc thứ ba bước vào đền có 3 cấp. Các bậc cấp và toàn bộ mặt nền trong ngoài được lát bằng đá granit.

Đền tưởng niệm

Đền tưởng niệm

Dù là công trình mới nhưng kiến trúc vẫn giữ được màu sắc, kiểu dáng gần gũi với truyền thống của dân tộc, thể hiện qua kiểu mái nhị cấp, lợp ngói đại ống đỏ, bờ nóc đáp bộ tượng lưỡng long tranh châu, từ bờ dãi xuống các đầu đao mái nhị cấp, bốn phía đều được đáp hình tượng các con rồng đặc trưng cho kiến trúc cổ của Việt Nam.

Xung quanh đền thờ được bao bọc bởi hai lớp hành lang, lớp hành lang trong cùng 4 phía, mỗi phía đều có 6 trụ cột lớn chống đỡ và tạo dáng làm tăng thêm vẻ đồ sộ của ngôi đền. Các khuôn bao thông gió bên trên tạo dáng hình tượng dơi làm tăng thêm vẻ thẩm mỹ của đền.

Bên trong đền, phần chính diện trang trí các bao lam thành vọng được chạm trổ công phu, với các họa tiết hình hoa sen, hoa cúc, hoa mai, dây lá. Đặc biệt phần bao lam chính diện bên trên có chạm lộng hình rồng chầu cuốn thư, mặt cuốn thư được khắc tên Chủ tịch Tôn Đức Thắng theo lối chữ giả cổ, mặt chữ được mạ bằng vàng. Phía dưới hai con rồng là họa tiết chạm lộng hình các cây tre. Phần dưới cùng dùng để đỡ lấy bao lam là hình tượng hai cá hóa long được các nghệ nhân chạm lộng tinh xảo và công phu.

Bên trong bao lam thành vọng là tượng bán thân của Bác Tôn được đúc bằng đồng đặt trên một bục cao, được chạm khắc nhiều họa tiết hoa văn trông rất uy nghi.

Phía sau tượng Bác Tôn là phông sơn mài màu đỏ boọc-đô, làm tăng thêm vẻ trang nghiêm của chính diện, trên phông màu đỏ này còn chạm nổi hình mặt trống đồng Ngọc Lũ biểu tượng của văn hóa Việt Nam, ngay trước tượng Bác là bàn hương án cao dùng đặt lư hương, hoa, quả.

Nhìn chung, kiến trúc của ngôi đền từ nội thất đến ngoại thất được các nhà kiến trúc nghiên cứu tỉ mỉ, màu sắc, kiểu dáng, họa tiết trang trí được bố cục hài hòa, đậm nét truyền thống văn hóa dân tộc.

Nhà trưng bày

Nhà trưng bày

3. Nhà trưng bày

Nhà trưng bày giới thiệu thân thế sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng cũng được xây dựng mới, đối diện với đền tưởng niệm. Toàn bộ công trình kiến trúc của nhà trưng bày từ màu sắc, kiểu dáng đều mang đậm kiến trúc truyền thống của dân tộc, kiểu nhà mang dáng dấp các đền, chùa một gian, hai chái, nóc cổ lầu, mái lợp ngói đại ống đỏ…

Bên trong các vì kèo, cột trốn mặt dù dùng chất liệu bê tông như các kết cấu cũng bố trí liên hoàn trông giống kết cấu của các đình làng cổ xưa.

Mặt trước nhà trưng bày hai bên có đắp hai phù điêu hình con Hổ, biểu trưng cho cù lao Ông Hổ.

Nội thất phần trưng bày giới thiệu toàn bộ cuộc đời Chủ tịch Tôn Đức Thắng từ niên thiếu ở quê nhà cho đền lúc ra đi tham gia hoạt độngt cách mạng và những năm tháng cuối đời của Bác. Mỗi một giai đoạn trưng bày giới thiệu về cuộc đời hoạt động của Bác đều có nhiều tư liệu, hiện vật gốc minh chứng các sự kiện lịch sử gắn liền với Bác.

Kể từ ngày 20 tháng 8 năm 1988, tỉnh đã quyết định chọn ngày sinh của Bác là ngày 20 tháng 8 làm ngày lễ hội truyền thống hàng năm ở khu di tích với nhiều loại hình sinh hoạt như: Mít tinh, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, trò chơi dân gian.

Khu lưu niệm Bác Tôn còn là nơi tổ chức các hoạt động sinh hoạt truyền thống, về nguồn và cũng là tụ điểm sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trong các ngày lễ hội và các ngày lễ lớn của đất nước.