Nam Linh Sơn Tự

NAM LINH SƠN TỰ

THỊ TRẤN ÓC EO – HUYỆN THOẠI SƠN

 

Tổng quan Nam Linh Sơn Tự

Di tích Nam Linh Sơn tự thuộc khu di tích Óc Eo- Ba Thê, thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Từ Long Xuyên du khách theo tuyến đường Long Xuyên- Thoại Sơn đến thị trấn Óc Eo khoảng 4km, rẽ trái theo hướng chùa Linh Sơn khoảng 1 km đến chùa Linh Sơn, cặp hông hàng rào chùa phía trái có một con đường nhỏ đi lên núi khoảng gần 100m là đến khu vực di tích. Nhằm phục vụ rộng rãi khách tham quan, các nhà nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước, UBND tỉnh An Giang đã đầu tư mở rộng tuyến đường đi đến tận di tích, nên mọi phương tiện thủy, bộ đều đến được di tích dễ dàng.

Địa điểm di tích Nam Linh Sơn tự có tọa độ 10014’47’’ vĩ bắc, 1050 09’34’’ kinh đông, khoảng cách 60m về phía nam chùa Linh Sơn. Nền kiến trúc nằm trên sườn phía đông núi Ba Thê, độ cao khoảng 10m đến 16,5m so với mặt ruộng quanh chân núi.

Năm 1998, Viện Khoa học Xã hội thành phố Hồ Chí Minh, trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp (Ecole francaise d’Extrême – Orient) và Bảo tàng An Giang phối hợp thực hiện khai quật. Cuộc khai quật này, đã làm xuất lộ toàn bộ kiến trúc có bình đồ trải rộng trên một diện tích hơn 350m2 vuông, dài đông – tây khoảng 22m, rộng bắc – nam hơn 17km, kiến trúc có qui mô khá lớn, chia thành nhiều ngăn lớn nhỏ, có sân trong và những đường cống thoát nước gồm 1 hoặc 2 tầng, xây bằng gạch hoặc bằng đá, dấu vết sâu nhất của đường móng tiếp giáp với sinh thổ tìm thấy ở độ sâu 2m so với mặt gò.

Bảng di tích

Kiến trúc này có ít nhất là 2 giai đoạn xây dựng và sử dụng; Giai đoạn sớm bên dưới, bắt đầu với những đường móng ở độ sâu khoảng 0,85m cách mặt gò (sinh thổ ở độ sâu 1m) gồm một số cấu trúc đường móng và vách ngăn không còn nguyên vẹn, được xây với loại gạch lớn có chất lượng tốt (cỡ gạch trung bình 30cm x 7cm hoặc 8cm), phần lớn các mảnh gốm tìm thấy ở tầng văn hóa này là gốm mịn Óc Eo.

Ở giai muộn của kiến trúc đã xây chồng lên những đường móng cũ sau một thời gian gián đoạn, phần lớn bằng gạch tái sử dụng lấy từ lớp dưới và một số gạch khác không đồng đều với chất lượng xấu hơn. Phần kiến trúc còn lại gồm một số đường móng, vách gạch, sàn nền tạo thành một bình đồ chia thành nhiều ngăn lớn nhỏ. Ngoài gốm mịn Óc Eo, trong tầng văn hóa này bắt đầu xuất hiện các loại gốm muộn và ngói lợp: Loại gốm thô thông dụng (nồi nấu kim loại, đồ đựng), loại gốm mịn xương gốm màu đỏ, áo gốm màu xám, loại gốm sành có lớp áo gốm bóng màu nâu hay xanh nhạt gồm bát, vung, bình, chum…

Đến cuộc khai quật năm 1999, các nhà khảo cổ Viện Khoa học Xã hội đã khai quật toàn diện hoàn chỉnh di tích từ phần xuất lộ trong đợt trước (năm 1998), và mở rộng những đường biên của kiến trúc về phía bắc, phía tây và phía đông, đã làm xuất lộ toàn bộ phần chính của kiến trúc rộng 17,5m theo hướng bắc – nam dài 22,5m theo hướng đông – tây (đông lệch tây 180 ). Cho thấy rõ kiến trúc quay mặt về hướng đông, bình đồ kiến trúc gồm 36 đường tường móng đá và gạch (25 vỉa bằng đá và 11 vỉa bằng gạch), những vỉa này phân chia bên trong thành 22 cấu trúc lớn nhỏ khác nhau gồm sàn nền, sân, hành lang, cống nước. Các cống dẫn nước chạy từ trung tâm ra bên ngoài, cho thấy đây là công trình kiến trúc đền đài mang ý nghĩa tôn giáo.

Toàn bộ diện tích khai quật trên gò đất Nam Linh Sơn tự được chia thành một hệ thống 30 ô vuông, mỗi ô có cạnh 5m, tung độ bắc – nam, hoành độ đông – tây. Tầng văn hóa di tích xuống sâu đến 2m so với đỉnh gò, (mặt bằng lớp sinh thổ không đều, chênh lệch từ 1,5m đến 2,5m). Gồm nhiều giai đoạn sử dụng, xây dựng và tu bổ. Đặc biệt, trong giai đoạn sử dụng đầu tiên trên di chỉ, trong tầng văn hóa sâu nhất và xưa nhất trong lớp sinh thổ của thổ di tích, ở độ sâu 2m phần dưới sàn nền phía bắc của kiến trúc đã phát hiện mộ chum cải táng bằng gốm thô, chum có đường kính 0,67m, cao 0,40m, xương gốm thô, được trang trí 3 dãy hoa văn vạch song song ở phần vai, loại hoa văn thường thấy tên gốm Óc Eo và gốm tiền sử muộn ở vùng châu thổ sông Cửu Long. Mộ chum thuộc giai đoạn sớm của khu di tích, đã tồn tại khá lâu trước khi kiến trúc Nam Linh Sơn tự được khởi công xây dựng. Trong mộ chum có vài mảnh nhỏ chất hữu cơ, 5 hạt chuỗi bằng vàng dát mỏng (hạt lớn nhất dài 6mm) và một hạt chuỗi bằng mã não. Đây là lần đầu tiên, các nhà khảo cổ đã phát hiện mộ chum trong một di chỉ Óc Eo và cũng là lần đầu tiên mộ hỏa táng kiểu Óc Eo đã được tìm thấy trên thế đất cao trên sườn núi.

Di tích Nam Linh Sơn tự, được nhận định là một kiến trúc lớn thể hiện kỹ thuật xây dựng bằng đá và gạch vào thời đại Óc Eo và hậu Óc Eo, được phát hiện ngay tại khu di tích Óc Eo- Ba Thê. Kiến trúc này phản ánh một trình độ văn minh khá cao, của các cư dân cổ ở châu thổ sông Cửu Long từ hơn 10 thế kỷ trước, với tầm vóc đồ sộ của nó, với những đường cống nước ngầm bên trong thể hiện trình độ kỹ thuật độc đáo của nền văn minh trong giai đoạn lịch sử này.

Di tích Nam Linh Sơn tự có niên đại từ thế kỷ thứ I sau công nguyên và tiếp tục tồn tại cho đến thế kỷ thứ IX, là loại kiến trúc cung đình mang tính tôn giáo, có quan hệ với khối kiến trúc hiện nằm trong gò núi dưới nền chùa Linh Sơn ở phía bắc và những di tích đã ghi nhận được trên triền núi phía đông băng qua đường lộ, kéo dài tận chân núi.

Giữ gìn các kiến trúc cổ văn hóa Óc Eo là một yêu cầu thiết yếu, để phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học, một cách toàn diện về nền văn hóa này. Trên cơ sở đó tuyên truyền giới thiệu nền văn hóa cổ, khuyến khích thế hệ hôm nay và mai sau gìn giữ kiến trúc cổ này bền vững theo thời gian. Tiếp tục nghiên cứu loại hình di tích này, để làm sáng tỏ thêm hình thái và tính chất đặc thù của những loại kiến trúc độc đáo, tại khu đô thị Óc Eo xưa.

Với giá trị khoa học lịch sử, tồn tại trên 1.500 năm, Nam Linh Sơn tự được Bộ Văn hóa thông tin ra quyết định số 39/2002/QĐ.BVHTT ngày 30.12.2002, xếp hạng Nam Linh Sơn tự là di tích khảo cổ cấp quốc gia.

Một số hình ảnh về di tích Nam Linh Sơn tự: