DI TÍCH LỊCH SỬ CÁCH MẠNG CHÙA PHƯỚC TRƯỜNG

CHÙA PHƯỚC TRƯỜNG

XÃ VĨNH TRƯỜNG - AN PHÚ

Theo địa bạ triều Nguyễn năm 1936, chùa Phước Trường thuộc tổng Châu Phú, huyện Tây Xuyên, phủ Tuy Biên tỉnh An giang. Nay thuộc ấp 2 – xã Vĩnh Trường huyện An Phú - tỉnh An Giang

Phước Trường tự khởi lập năm 1824, lúc đầu chỉ là một cái cốc nhỏ mái lá đơn sơ, do gia tộc Hà Văn Bày cùng nhau dựng lên. Trải qua nhiều lần duy tu sữa chữa, hiện chùa đậm nét khang trang cổ kính. Chùa tọa lạc trên diện tích đất thổ cư 1 ha. Có thể nói sự kết hợp kỳ diệu giữa cảnh quan thiên nhiên và nhân tạo nơi đây đã hình thành nên không gian nhà thiền hết sức trữ tình thơ mộng đến xao xuyến lòng người. Khuôn viên được xây dựng trên nền cao hơn 2m, kè đá núi hình lục giác kiểu da qui vững chắc, vừa gìn giữ chân móng không bị mưa lũ xói mòn, vừa tạo mĩ quan cao thoáng cho khu vực chùa, sân chùa rộng thoáng, trồng nhiều hoa kiểng đẹp duyên dáng nép mình dưới những tán cây cổ thụ, hoà quyện cùng hương đồng cỏ nội sắc màu xanh tươi, tô đậm nét tĩnh lặng trầm mặc nơi cửa Phật. Lối lên thềm chùa phải qua nhiều bậc tam cấp, biểu tượng nhân duyên, thử thách sự thành tâm của con người với Phật pháp. Tiền điện chùa hướng chính Đông, phía trước là con rạch trong xanh lượn vòng như dải lụa dài mát mẻ quyến rũ, gốc phải là miếu Ngũ Hành, gốc trái là miếu Chư thần, mặt dựng trang trí các khuôn tranh sơn thuỷ cảnh làng quê sau lũy tre làng, sự tích Phật Thích Ca tầm đạo…Nội thất kết cấu khung sườn gỗ, riêng tứ trụ tròn bê tông cốt thép, song trụ phía trước đắp nổi long vấn rất to đầu nhô ra ngoài, thân uốn khúc ẩn hiện trong mây, đuôi xoáy mạnh thể hiện oai linh của loài linh thú.

Bày trí thờ tự đơn giản, trung gian chính điện đặt ngôi thờ Tam Bảo, bậc trên cùng thờ Phật A Di Đà. Bậc thứ hai thờ Phật thích ca Mâu Ni (hai bên thờ Quan Âm Bồ Tát) Bậc thứ ba thờ Phật Di Lặc, Ngọc Hoàng (hai bên thờ Nam Tào, Bắc Đẩu, Địa Tạng). Đặc biệt, các tượng thờ này đều chế tác bằng đất sét, được nghệ nhân xưa làm theo phương pháp thủ công rất khéo tay, kỹ thuật tạo tác tinh xảo sinh động, mỗi bức tượng là một tác phẩm đêu khắc tuyệt vời, gây ấn tượng mạnh mẽ, điểm chung của các tượng toát lên vẻ đẹp trí tuệ cùng sự cảm thông, cứu độ mang tính nhân bản sâu sắc, ẩn chứa một sức mạnh cao siêu trong không gian nội thất.

Chùa Phước Trường không chỉ là cơ sở tín ngưỡng đơn thuần, mà chùa còn chứa đựng nội dung lịch sử cách mạng đáng trân trọng và hết sức tự hào. Trong hai cuộc kháng chiến, địa bàn xã Vĩnh Trường là một cù lao, giao thông cách trở, chùa nằm heohút cách xa khu dân cư, khuất sâu giữa cánh đồng hoang hoá, dân làng quen gọi là Bưng Bàu Nâu, lau sậy chằng chịt, cây cối um tùm. rậm rạp bao phủ, tứ bề ao sâu, bưng rạch, nước ngập sình lầy. Do vị trí địa hìnhhiểm trở, nên ngay từ khi mới hình thành, chùa được chọn làm cơ sở gây dựng phong tràocách mạng, cán bộ Trung đoàn 115 và 121 thuộc khu 8, cán bộ Tỉnh, huyện, xã thường trú đóng trong chùa. Lực lượng thanh niên tiền phong, Thanh niên Cứu quốc, dân quân tự vệ thường xuyên tụ họp luyện tập võ nghệ tại chùa. Vào ngày 19 tháng 5 các năm 1946, 1947 tổ Tam tam chế ( tổ hành động bí mật ba người) đóng tại chùa, đã tổ chức treo cờ Đảng trên đọt cây sao trước cổng chùa, chào mừng sinh nhật Bác Hồ kính yêu và cũng để uy hiếp tinh thần địch. Tại chùa, nhiều cuộc họp dân có đến hàng trăm người tham dự. Cũng tại chùa đã xuất phát nhiều tổ chức trừ gian diệt tề, bao vây bức phá đồn, làm hoang mang tinh thần địch, đẩy mạnh tiến công giành thắng lợi cách mạng tháng Tám, góp phần tiến tới giải phóng quê hương thống nhất nước nhà. Nhà chùa là cơ sở liên lạc, đóng góp tài chính, vật chất cho cơ sở cách mạng. Năm 1946, trong bối cảnh chuẩn bị mọi mặt cần thiết sẵn sàng bước vào cuộc kháng chiến toàn dân toàn diện lâu dài, hưởng ứng tuần lễ vàng do Chủ tịch Hồ Chí Minhvà Chính phủ phát động, nhằm tăng thêm ngân sách chi phí cho công tác quốc phòng, nhà chùa đã tíchcực ủng hộ nhiều vật thờ tự có giá trị bằng đồng, thau, vật gia bảo kỷ niệm của mình cho Nhà nước trao đổi, mua sắm vũ khí đánh giặc. Ở gốc trái phía sau hậu tổ chùa, bọn địch không thể nào ngờ được dưới các bụi tre gai, cán bộ ta đã mưu trí, đào ba hầm bí mật, khi tĩnh sinh hoạt trong chùa, khi động rút vào hầm bí mật an toàn. Dưới hệ thờ ngôi Tam Bảo, nhà chùa có sáng kiến đào hầm bí mật cho cán bộ trú ẩn. Trong các tượng thờ là nơi cất giấu tài liệu, truyền đơn, trên máng xối nối gian chính và gian phụ là nơi thanh niên trong làng trốn quân dịch. Bản thân trụ trì Hà Văn Sua là người sớm giác ngộ cách mạng, ông tham gia Thanh niên Tiền Phong xã Vĩnh Trường, Ủy viên ủy ban Hành chánh kháng chiến liên xã Vĩnh Trường, Đa Phưíơc, Hà Bao. Từ năm 1955 – 1972 bước vào cuộc đấu tranh mới, được tín nhiệm giao công tác binh vận, ông đã mmốc nối nhiều cơ sở tuyên truyền đấu tranh, che giấu ủng hộ cách mạng, tranh thủ được một số tề xã, ấp giúp thanh niên trốn lính. Vợ ông là bà Võ Thị Khải tuy không trực tiếp hoạt động cách mạng, nhưng cũng là người đóng góp nhiều công sức đáng kể cho cách mạng. Bà đã nuôi chứa tiếp tế lương thực, thực phẩm, thuốc uống cho cơ sở cách mạng suốt hai thời kỳ Pháp - Mỹ

Nhìn chung, Phước Trường tự có ảnh hưởng đậm nét và gắn bó mật thiết với đời sống tâm linh của nhiều thế hệ người dân sinh ra và lớn lên tại làng cù lao sông nước thân yêu này. Lịch sử của chùa gắn liền với quá trình đấu tranh cách mạng của địa phương ngay từ khi mới thành lập đến ngày đất nước thống nhất. Đây là một địa chỉ nói lên nhiều ý nghĩa sâu sắc trong việc giáo dục truyền thống yêu quê hương đất nước cho thế hệ hôm nay và mai sau. Từ nội dung văn hoá lịch sử, chùa Phước Trường đựơc UBND tỉnh An Giang xếp hạng là di tích Lịch sử Cách Mạng theo quyết định số 2133 QĐ UBND ngày 27/10/2006.