Cột Dây Thép

CỘT DÂY THÉP

XÃ LONG ĐIỀN A - HUYỆN CHỢ MỚI

 

Di tích Cột dây thép

Cột Dây Thép ở xã Long Điền A, huyện Chợ Mới được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX, là hệ thống thông tin liên lạc của chính quyền thực dân Pháp.

Di tích là cột bằng thép hình tháp chóp nhọn, cao 30m với 4 chân trụ vững chắc, mỗi chân bằng thép hình chữ L nối kết không đều. Ngoài ra để chịu lực được gia cố thêm bằng những thanh thép bắt chéo gấp khúc ở giữa từng đoạn khoảng 1m.

Cuối tháng 3/1930, các đồng chí Lê Văn Sô, Lưu Kim Phong được Đặc ủy cử về Long Xuyên phối hợp với đồng chí Nguyễn Văn Cưng tiến hành tuyển chọn những người tích cực trong Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội kết nạp vào Đảng. Ban chấp hành lâm thời tỉnh cũng được thành lập và tích cực tiến hành xây dựng các Chi bộ Đảng. Tỉnh chọn Chợ Mới làm điểm phát triển tổ chức, vì nơi đây có phong trào cách mạng mạnh, có cơ sở Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, là nơi tập trung đông đảo nông dân, thợ thủ công, trí thức sớm có tinh thần chống Pháp và tay sai. Qua quá trình tìm hiểu, tuyển chọn và bồi dưỡng, tháng 3 năm 1930, Đặc ủy Hậu Giang tiến hành thành lập một Chi bộ Đảng xã Long Điền gồm 3 đồng chí Lưu Kim Phong, Bùi Trung Phẩm và Đoàn Thanh Thủy.

Để chào mừng sự kiện lịch sử đó, lá cờ Đảng đầu tiên được treo trên đỉnh cột Dây Thép và tiếp theo lá cờ thứ hai lớn hơn được treo và đưa ra theo dây thép ở vị trí giữa sông thuộc bên này xã Long Điền A và bên kia là xã Tấn Mỹ. Ông Lê Văn Đỏ, một quần chúng tốt đã lãnh trách nhiệm treo trực tiếp với sự hỗ trợ tích cực của những quần chúng khác. Cờ đỏ búa liềm phất phới tung bay khiến kẻ thù lo sợ, còn nhân dân thì bàn tán xôn xao. Sau đó, lá cờ Đảng tiếp tục được treo ở nhiều nơi trong quận.

Cột Dây Thép phản ánh giá trị cao về lịch sử đấu tranh Cách mạng của Đảng bộ và nhân dân huyện Chợ Mới nói riêng và tỉnh An Giang nói chung trong những ngày đầu thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, là một dấu ấn trong lòng mọi người dân An Giang khi tìm hiểu về lịch sử tỉnh nhà. Bởi nơi đây ghi dấu mốc quan trọng, là điểm treo lá cờ Đảng lần đầu tiên của phong trào cách mạng tỉnh An Giang và cũng là địa điểm tập hợp quần chúng đấu tranh của Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam huyện Chợ Mới năm 1930.

Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã đáp ứng được nguyện vọng của quần chúng, mở ra cho những người cách mạng và quần chúng yêu nước ở địa phương con đường giải phóng dân tộc đúng đắn, có ý nghĩa quyết định đối với quá trình phát triển của phong trào Cách mạng ở Chợ Mới.

Cột Dây Thép vào thời kỳ ấy còn là nơi tập trung của đông đảo quần chúng nhân dân biểu tình, đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ. Những cuộc tuần hành biểu tình đã tạo nên cuộc đấu tranh rộng lớn ở Chợ Mới, đã có ảnh hưởng sâu rộng nhất là đối với nông dân miền Tây Nam Bộ. Và cũng từ đó cột Dây Thép đã trở thành địa danh lịch sử cách mạng, tiêu biểu cho phong trào đấu tranh cách mạng từ những ngày đầu thành lập Đảng cũng như những cuộc đấu tranh sau này.

Di tích lịch sử cách mạng cột Dây Thép xã Long Điền A là niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân An Giang trong thời kỳ đầu cách mạng, là hạt giống, là cái nôi của lịch sử Đảng bộ An Giang đã nẩy mầm và phát triển, là tài sản vô cùng quý giá cần được bảo tồn để phát huy tác dụng tích cực trong công tác giáo dục truyền thống và hun đúc tinh thần yêu nước cho thế hệ hôm nay và mai sau.