Gò Tháp An Lợi

GÒ THÁP AN LỢI

XÃ CHÂU LĂNG – HUYỆN TRI TÔN

 

Gò Tháp An Lợi

Di tích kiến trúc gò tháp An Lợi (di tích nằm trên nền gò cao nên người dân nơi đây quen gọi là gò tháp), ở tọa độ 10026’18’’ vĩ bắc 105000’28’’ kinh đông, thuộc ấp An Lợi, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, cách Long Xuyên khoảng 53km. Từ Long Xuyên theo quốc lộ 91 đến ngã ba Lộ tẻ, rẽ trái theo tuyến Lộ tẻ- Tri Tôn, đến thị trấn Tri Tôn, từ đây đi hướng Tri Tôn- Nhà Bàng khoảng 3km đến cống Tha La Tà Ti, qua cống rẽ phải vào xóm dân cư đồng bào dân tộc Khmer một đoạn khoảng 400m là đến địa điểm di tích. Các phương tiện giao thông đường bộ đều đến di tích dễ dàng.

Trước khi khai quật, mặt gò xuất lộ nhiều vân gạch, nhiều vỉa gạch, chạy thẳng hàng theo hướng đông- tây cùng vài khối đá, tấm đá kiến trúc nằm lộ thiên giữa gò hoặc cạnh các gốc cây. Giữa bề mặt kiến trúc có một “bàn đá” bằng sa thạch mịn màu xám xanh (được đẽo gọt hình tròn đường kính 1,21m dầy 0,15m), bên dưới có chân được đặt kê trên những viên gạch cao hơn 0,20m). Sườn gò phía nam và bắc là các vách tường gạch xây vẫn còn thẳng đứng, phía đông và tây do bị đào phá để lấy gạch, đã để lại trên sườn gò chỗ gạch, chỗ đá lởm chởm… đó là dấu hiệu cho thấy kiến trúc này được xây dựng bằng gạch đá hỗn hợp, thuộc phong cách xây cất truyền thống của cư dân văn hóa Óc Eo- Phù Nam xưa.

Bình đồ kiến trúc dạng khối chữ nhật, có qui mô đồ sộ trên một nền đất rộng khoảng 300m2, toàn bộ kiến trúc xây đặc bằng gạch và đá rất vững chắc (bình quân mỗi viên gạch dài 0,30m x rộng 0,15m, cao 0,70m), xen lẫn những lớp gạch xây là những phiến đá hoặc viên đá hỗn hợp với chất kết dính cổ xưa, dài 19,20m theo hướng đông- tây, rộng 11,60m theo hướng bắc – nam, đỉnh kiến trúc bằng phẳng, có độ cao từ 2,50m (tính từ chân gờ cột giả), đến 3,60m (tính từ chân móng gạch dưới cùng sát lớp đá móng lên đến đỉnh). Các cạnh ở phía trước giao nhau bẻ góc nhiều lần ở phía đông (phía trước), đối xứng giữa hai phần bắc nam. Từ hai phần đầu cạnh phía đông, đường móng bẻ góc đến 5 lần về phía tây, tạo thành một bình đồ kiến trúc có 12 góc vuông và 20 cạnh dài ngắn không đều nhau, song các cặp đối xứng nhau dài từ 0,58m, 0,75m, 2,4m cho đến đoạn cạnh dài nhất của di tích là 11,64m.

Bề mặt lòng kiến trúc dài 1,68m theo hướng đông tây, rộng 4,60m theo hướng bắc nam, được chia thành hai ngăn phía đông và phía tây: Tiền sảnh ở phía đông, hậu sảnh ở phía tây, giữa có hố thờ. Trên hố thờ hay bên cạnh hố thờ có thể là chỗ để đặt bệ thờ các Somasutra. Tiền sảnh rộng 6,0m x 5,6m, có lối lên xuống rộng 0,92m – 0,96m, cấu tạo gồm 6 hoặc 7 bậc xây bằng gạch, các bậc lên xuống khá dốc, mỗi bậc được xây cao 4 lớp gạch, trên bề mặt mỗi bậc lại được lát bằng một phiến đá màu xanh bằng phẳng (hiện khoảng giữa các bậc còn ba phiến đá). Hậu sảnh rộng 4,40m x 4,30m, được xây bằng gạch nguyên kích thước lớn hơn gạch xây tường vách ben ngoài, từ bề mặt xuống đến lớp đá móng bên dưới dày 36 lớp. Ở giữa ngăn này có dấu vết của một hố thờ đã bị đào phá. Hố có mỗi cạnh rộng 1,10m x 1,10m, sâu từ trên bề mặt xuống đến đá móng (4,50m).

Xung quanh bên ngoài kiến trúc có hành lang bao bọc, được xác định bởi vỉa đá xuất lộ, nằm theo hướng bắc- nam ở cạnh phía tây kiến trúc. Trên hai cạnh phía bắc và nam, qua các hố thám sát nhỏ, từ bề mặt nền gạch xuống cho thấy hành lang này có phần phía dưới được xây kè bằng đá và cát, phần bên trên được lát bằng gạch vỡ, dày trung bình 0,20m lên ngang với bề mặt phía trong. Hành lang này có dạng bẻ góc một lần ở phía đông, song song với tường vách kiến trúc bên ngoài ở các phía tây- nam và bắc, kích thước trung bình rộng 1m. Các cạnh ngắn ở phía đông dài từ 1,40m đến 2,4m, cạnh phía đông dài 9,40m. Hai cạnh dài nhất ở phía bắc và nam 13,60m.

Một số hiện vật thu thập được tại gò tháp An Lợi, chủ yếu là bằng đá như:

  • Một bàn đá sa thạch dạng hình tròn còn nguyên vẹn, đường kính rộng 1,2m x dầy 0,14m. Thịt đá mịn, màu xám xanh, mặt trên nhẵn, mặt dưới hơi lồi lõm. Bàn đá này, nằm lộ thiên đặt trên miệng hố thờ được kê gạch cao khoảng hai tấc, vị trí ngay giữa mặt nền kiến trúc.
  • Một tấm đá sa thạch hình bán nguyệt (còn nguyên vẹn).
  • Một tấm đá sa thạch hình quạt (khoảng ¼ hình tròn).
  • Hai tấm đá sa thạch hình chữ nhật.
  • Ba khối đá kiến trúc bằng sa thạch màu xám.
  • Sáu máng nước thiêng (Somasutra) chất liệu đá sa thạch, đá hoa cương lớn nhỏ bình quân từ 1,01m x rộng 0,24m dầy 0,14m.
  • Một mảnh vỡ Linga…

Việc tìm thấy Linga và nhiều Somasutra ở khu vực phía bắc, đã cho phép nghĩ rằng kiến trúc gò tháp An Lợi, là một kiến trúc thuộc tín ngưỡng Siva, nơi thực hiện các nghi thức cầu phúc của các cộng đồng cư dân cổ thuộc thời kỳ hậu Óc Eo.

Gò tháp An Lợi thuộc loại kiến trúc nặng, xây bằng gạch đá hỗn hợp thuộc thời kỳ hậu Óc Eo. Đây là kiến trúc lớn còn nguyên vẹn nhất trong các kiến trúc tôn giáo, được phát hiện trên địa bàn tỉnh An Giang. Theo nhận xét của các nhà khảo cổ, gò tháp An Lợi được xem là một công trình kiến trúc Ấn giáo cổ, được cư dân bản địa thời hậu Óc Eo xây dựng có niên đại đoán định khoảng thế kỷ VIII đến thế kỷ IX sau công nguyên.

Gò thap An Lợi có giá trị cao về mặt nghiên cứu khoa học, nguồn gốc lịch sử hình thành vùng đất và nền văn hóa dân tộc đã hơn 1.000 năm. Thời bấy giờ dân cư địa phương, đã xây dựng những công trình kiến trúc bằng vật liệu nặng, với sự bố cục hợp lý để phục vụ xã hội. Từ kết quả nghiên cứu, kiến trúc gò tháp An Lợi sẽ đáp ứng cho chúng ta nhiều mặt, đặc biệt là nâng cao và bổ sung kiến thức về một loại hình di tích khảo cổ đặc trưng bảo tồn hiện hữu tại An Giang.

Với ý nghĩa lịch sử văn hóa quan trọng, giá trị khoa học cao, gò tháp An Lợi được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch quyết định công nhận số 10/2008/QĐ – BVHTTDL ngày 26/02/2008, xếp hạng gò tháp An Lợi đã xây dựng hoàn thành các công trình: Cải tạo, nâng cấp đường đi vào, hàng rào và mái che bảo vệ di tích, nhằm kéo dài tuổi thọ cho di tích, phục vụ tốt cho công tác tham quan nghiên cứu khoa học.