Đình Châu Phú

ĐÌNH CHÂU PHÚ

PHƯỜNG CHÂU PHÚ A - THỊ XÃ CHÂU ĐỐC

 

Đình nhìn từ bên ngoài

Đình Châu Phú nhìn từ bên ngoài

Đình Châu Phú thuộc phường Châu Phú A, thị xã Châu Đốc, nằm phía đông thị xã Châu Đốc, bên bờ sông Hậu. Đình tọa lạc tại góc đường Gia Long và Bảo Hộ Thoại, cách Long Xuyên 56km.

Đình Châu Phú được xây dựng cách nay gần 170 năm. Theo sách Đại Nam nhất thống chí, phần An Giang tỉnh, mục đền miếu có ghi “Đình Châu Phú do Thoại NgọcHầu dựng lên vào thời gian 1820-1828”. Riêng về kiến trúc nghệ thuật của đình thì sách trên không ghi rõ, cả về gia phả và bảng tôn thần, sự tích ở đình cũng không thấy ghi chép nên việc tìm nguồn gốc, xuất xứ vô cùng khó khăn.

Theo lời kể của bô lão, đỉnh Châu Phú đã trải qua mấy lần xây dựng từ gỗ tạp, lợp lá đơn sơ đến cột gỗ căm xe, vách ván, nền lót gạch tàu. Năm 1926, thực dân Pháp chọn điểm xây dựng bệnh viện Châu Đốc tại khu vực đình, nên bà Huỳnh Thị Phú và Hương chủ Lan đứng ra vận động nhân dân đóng góp tiền của di chuyển đình đến đầu chợ để xây dựng lại ngôi đình mới hiện nay. Công trình xây dựng đình Châu Phú năm 1926 quá lớn, nên số tiền của nhân dân và công quỹ làng Châu Phú không đủ, chính quyền thực dân Pháp tỉnh Châu Đốc tổ chức mở số Tôm – bô – la, chính nhờ vào số tiền này, đình Châu Phú xây cất hoàn chỉnh và khang trang cho đến ngày nay.

Đình có diện tích ngang 16m, dài 40m, kiên cố, nguy nga nhưng cổ kính mang sắc thái văn hóa dân tộc đậm nét, tường gạch hồ vôi, ô dước, mái lợp ngói đại tiểu, nền lót gạch hoa, cột tròn bằng gỗ căm xe, cà chất, bao lam, thành vọng và hoành phi, liễn đối sơn son thếp vàng, chạm trổ rất đặc sắc, như hình bát tiên, tứ linh, chim muông, bông hoa, nổi bật nhất là chạm khắc rồng đậm nét thời Nguyễn.

 

bản Sự tích tôn thần thôn Châu Phú

Bản Sự tích tôn thần thôn Châu Phú

Bên ngoài là cổng tam quan lợp ngói đỏ, mái cong ba tầng trang trí hoa văn hình rồng. Bên trên có bức hoành phi đắp bằng chữ Hán 忠 義 祠 Trung Nghĩa Từ. Hoành phi được đắp ở cả hai mặt của cổng. Các hàng cột ở cổng đều có đắp câu đối đỏ. Trong sân đình có miếu Ngũ Hành và miếu Sơn Quân.

Toà nhà chính được trang trí rất kiểu cách, Mặt hành lang phiá trước lấp những ô cửa vòm và hoa văn rất lộng lẫy. Chánh điện gồm có 3 gian. Gian giữa là bệ thờ Nguyễn Hữu Cảnh, Thoại Ngọc Hầu và thần Vệ Thuỷ. Hai bên là Tả Ban và Hữu Ban. Chánh điện có 4 hàng cột, mỗi hàng 10 trụ. Cột được làm bằng gỗ quý, đường kính hơn một vòng tay, ốp liễn đối, sơn son thếp vàng, chạm trỗ lộng lẫy với các hình bát tiên, chiêm muôn, mai lan, cúc trúc...nhất là chạm rồng 4 móng thật tuyệt.

Đặc biệt, trong đền còn có bản Sự tích tôn thần thôn Châu Phú được viết bằng chữ Hán. Trên án thờ, lư đỉnh chói lọi, hai bên là tàn lọng, bát bửu rực rỡ. Bệ thờ được đặt rất cao ở nơi trung tâm, trên đó có 3 bức tượng gỗ điêu khác tuyệt kỷ, cao hơn 1m, bên ngoài sơn nhũ vàng óng ánh. Tượng giữa là Đức ông Nguyễn Hữu Cảnh, hai bên là quan văn võ đứng hầu

Mặc dù đã qua hàng trăm năm, nhưng đền Châu Phú vẫn giữ được vể bề thế, nguy nga, cổ kính, thật xứng đáng với tấm lòng tôn kính của người dân nơi đây đối với Thượng đẳng thần Nguyễn Hữu Cảnh

Dưới đây xin trích dẫn một câu đối tại đền:

拓 境 開 彊 天 地 以 時 歸 宿 將

Thác cảnh khai cương thiên địa dĩ thời quy túc tướng

停 車 駐 節 漢 夷 隨 在 自 靈 神

Đình xa trú tiết hán di tuỳ tại tự linh thần

Dịch:

Định cõi mở bờ, trời đất sẵn dành danh tướng soái

Ngừng xe đóng trại, chí hùng vang dậy chốn linh thiêng.

Đến năm 1960, đình Châu Phú được tu bổ thêm cổng rào xung quanh, dưới xây gạch, trên là song sắt, càng làm cho đình trang nghiêm và thoáng mát. Năm 1978, trong chiến tranh biên giới Tây Nam, đình bị 1 trái pháo của Pôn pốt làm hư nóc mái sau, đã được nhân dân sửa lại như cũ.

Tượng tôn thần bằng gỗ được thờ tại đình là Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Ông sinh năm 1650 mất ngày 08/05/1700 (năm Canh Thìn). Ông là người có công trong công cuộc mở cõi đất phương Nam, giữ vững an ninh, chính trị, ổn định đời sống nhân dân. Để tưởng nhớ công lao, nhân dân lập đền thờ ông ở nhiều nơi trong tỉnh, nhất là dọc theo bờ sông Hậu, cù lao Ông Chưởng, nơi ông đóng quân trên đường trở về.

Liễn đối

Các liễn đối tại đình đều là lời ca ngợi Nguyễn Hữu Cảnh.

Trích:

Khai thác quân thần, công tại biên thùy, danh tại sử;

Trung thần chánh khí, sanh vi chân tướng, tử vi thần.

Tạm dịch:

Đấng quân thần mở mang bờ cõi, công ở biên thùy, danh ở sử;

Người chính khí trung thành, sống làm tướng, thác làm thần.

 

Chân Lạp trần thanh, Đông Phố bách niên lưu di tích;

Sầm Giang tinh vận, tây Thùy thiên cổ thướu dư oai.

Tạm dịch:

Nước Chân Lạp sạch bụi, chốn Đông Phố trăm năm đề công lớn;

Chốn Sầm Giang sao rụng, cõi Tây thùy ngàn xưa nhóm dư oai.

Hằng năm đình Châu Phú tổ chức lễ Kỳ Yên vào 3 ngày: mùng 9, 10, 11 tháng 5 âm lịch. Đó là lễ kỷ niệm ngày mất của Chưởng cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, nhân dân khắp nơi về dự rất đông và cứ 3 năm tổ chức xây chầu Đại bội một lần.

Với các ban thờ, nhân vật được phụng thờ như trên, lễ Kỳ Yên tại đình Châu Phú được tổ chức theo trình tự sau:

1. Lễ thỉnh sắc: Bắt đầu từ 7 giờ sáng ngày mùng 10/5 âm lịch tiến hành lễ thỉnh "sắc thần Nguyễn hữu cảnh" từ Nhà lớn về đình. Lễ này rất long trọng, có xe hoa, long đình, chiêng, trống, học trò lễ v.v... các vị trong ban quản trị đình thần mặc áo dài khăn đóng đi hầu phía sau. Sau lễ thỉnh "sắc thần Nguyễn Hữu Cảnh" là lễ thỉnh "Sắc thần Thoại Ngọc Hầu" tại phủ thờ của ông Nguyễn Khắc Mi (cháu nhiều đời của Thoại Ngọc hầu), sắc thần của hai ông chánh vệ thuỷ Đỗ Đăng Tàu và phó vệ thuỷ Lê Văn Sanh.

2. Lễ túc yết: Lễ túc yết được diễn ra theo trình tự nghi thức dân gian truyền thống thường thấy ở các đình trong tỉnh An Giang. Đúng một giờ đêm ngày 11/5 âm lịch Ban quản trị của đình đã tề tựu đông đủ để bắt đầu cúng túc yết. Chịu trách nhiệm chính ở buổi lễ cúng là ông chánh tế- cũng là trưởng ban quản trị đình.

- Lễ vật chính dâng cúng trong buổi lễ túc yết gồm có một con heo trắng (heo đã mổ xong, cạo sạch, chưa nấu chín), một chén đựng huyết, một ít lông heo gọi chung là "mao huyết", một mâm xôi, một trái cây, một mâm trầu cau, một đĩa muối, gạo. Các lễ vật được bày trên bàn, riêng con heo trắng được đặt sấp, thân phủ lên một giá gỗ cao. Ngoài ra còn có những lễ vật khác do nhân dân mang đến dâng cúng.

Bắt đầu vào lễ, ông chánh tế đến dâng hương lễ trước bàn thờ, rồi lần lượt Ban quản trị thay nhau vào lễ. Kế đến là phần "Khởi chinh cổ", sau khi đánh ba hồi trống gỗ và ba hồi chiêng mõ. Ban nhạc lễ với các nhạc cụ dân tộc bắt đầu trỗi lên, lễ dâng hương, chuốc tửu, tuần trà bắt đầu.

Diễn tiến của buổi lễ đều theo sự điều khiển của người xướng lễ.

Sau khi dâng hương, dâng ba tuần rượu gọi là chuốc tửu và dâng trà gọi là tuần trà, theo lời xướng của người xướng lễ, bản văn tế (văn chúc) được mang đến trước bàn thờ. Ban tế quỳ xuống "đọc văn", trong khi ban nhạc lễ trỗi nhạc để phụ họa cho giọng đọc. Dứt bài văn tế, ông chánh tế nghỉ cúng, đốt văn bản này và một ít giấy tiền vàng bạc, phần nghi thức lễ túc yết coi như đã xong.

3. Lễ xây chầu: Sau khi lễ túc yết xong, là đến lễ xây chầu được tổ chức tại gian võ ca phía trước chính điện. những người tham dự cũng ăn mặc chỉnh tề xếp thành hai hàng nhưng từ cửa chính điện trở ra. Trên gian võ ca, tất cả diễn viên đoàn hát bội hoá trang, trống mõ sẵn sàng. Ông chánh bái ca công (Chủ trì lễ xây chầu) nhúng cành dương vào tô nước cầm trên tay vẩy ra xung quanh và đọc lời cầu nguyện:

- "Nhất sái thiên thanh". (Trời thêm thanh bình)

- "Nhị sái địa linh" (Đất thêm tươi tốt)

- "Tam sái nhơn trường" (Người được sống lâu)

- "Tứ sái quỷ diệt hình" (Quỷ dữ bị tiêu diệt).

4. Lễ Chánh tế: vào 3 giờ sáng ngày 12/5 âm lịch bắt đầu lễ chánh tế, nghi thức diễn lại như lễ túc yết là sau phần dâng trà là phần âm thực mang ý nghĩa truyền thống. Phần thưởng của thần ban cho vị chánh tế.

5. Lễ hồi sắc: Tiến hành vào lúc 13 giờ ngày 12/5 âm lịch- ngày cuối cùng của lễ hội. Nghi thức cũng giống lễ thỉnh sắc. Lễ hội kỳ yên tại đình thần Châu Phú đến đây là kết thúc.

Lễ hội này thu hút đông đảo nhân dân quanh vùng qui tụ về với lễ vật trên tay, người nào cũng trang phục chỉnh tề, quỳ lạy trước bàn thờ và cầu nguyện thần linh sao cho mưa thuận gió hoà, quốc thái dân an, mùa màng thuận lợi, sản xuất phát triển, nhân dân ấm no.

Như thế, lễ Kỳ Yên ở đình Châu Phú mang hai lớp ý nghĩa vừa tưởng nhớ một vị có công khai phá miền Nam Bộ, vừa cầu mong một cuộc sống no đủ. Cho nên, đây là một sinh hoạt văn hoá dân gian đáng được bảo tồn, duy trì và tạo điều kiện phát triển.