Thánh Đường Hồi Giáo Mubarak

THÁNH ĐƯỜNG HỒI GIÁO MUBARAK

(CHÙA CHĂM)

XÃ PHÚ HIỆP - HUYỆN PHÚ TÂN

 

Thánh đường - nhìn từ bên ngoài

Thánh đường - nhìn từ bên ngoài

Dân tộc Chăm có một nền văn hóa lâu đời và độc đáo. Từ thời xa xưa, đồng bào Chăm đã sáng tạo, gìn giữ và phát huy nền văn hóa của mình. Tỉnh An Giang có trên 13.000 đồng bào Chăm sinh sống. Khác với đồng bào Chăm ở Thuận Hải - người Chăm ở An Giang theo đạo hồi. Trong khu vực cư trú của đồng bào Chăm ở An Giang có rất nhiều Thánh đường (thường gọi là chùa), mà tiêu biểu và nổi bật nhất là thánh đường Hồi Giáo Mubarak ở Châu Giang (xã Phú Hiệp - huyện Phú Tân). Thánh đường là một công trình kiến trúc nghệ thuật rất độc đáo, với đường nét riêng mang đậm tính tôn giáo của dân tộc Chăm, Thánh đường đượcc xem là một trong những trung tâm sinh hoạt văn hóa của đồng bào Chăm.

Thánh đường Mubarak cách thành phố Long Xuyên 56 km. Từ Long Xuyên đi về thị xã Châu Đốc, qua phà Châu Giang là đến di tích.

Thánh đường Mubarak được xây dựng và sữa chữa qua 5 lần, công sức và kinh phí hoàn toàn do tín đồ trong đồng bào Chăm đóng góp. Thánh đường xây dựng lần cuối cùng do kiến trúc sư Mohammet Amin người Ấn Độ vẽ mẫu thiết kế dựa theo các kiểu Thánh đường ở Á - rập Xê-út. Cổng chính vào Thánh đường hình vòng cung, phía trên nóc có một tháp lớn hai tầng, nóc tháp hình bầu dục, dưới chân tháp có hình trăng lưỡi liềm và ngôi sao tượng trưng cho đạo Hồi. Bốn góc trên nóc Thánh đường đều có 4 tháp nhỏ, giữa nóc Thánh đường có hai tháp bầu tròn nhô cao. Từ cửa chính của Thánh đường trở ra hai bên, mỗi bên có hai vòm hình vòng cung nhọn đầu, mỗi vòm cách nhau 2,4m, bên trái và phải Thánh đường mỗi bên cũng có 6 vòm hình vòng cung nhọn đầu, mỗi vòm cách nhau 2,4m. Nhìn từ xa Thánh đường giống kiến trúc cổ ở Ấn Độ, ba Tư. Bên trong Thánh đường theo đặc điểm của đạo Hồi ngoài biểu tượng trăng lưỡi liềm và ngôi sao, không thờ bất cứ hình tượng thần thánh nào, tín đồ đạo Hồi chỉ tôn trọng tuyệt đối thánh Allah là vị thượng đế cao nhất.        

Kien truc thanh duong

Kiến trúc thánh đường

Noi that thanh duong

Nội thất thánh đường

Hàng năm, tại đây tổ chức 3 lần lễ hội lớn:

  • Lễ Ha Ji: vào ngày 10 đến 12 lịch Hồi giáo (3/7 dương lịch).

  • Lễ ra chay: vào tháng 9 lịch Hồi giáo (27/4 dương lịch).

  • Lễ sinh nhật của Môhamed: (người sáng lập đạo Hồi).

Trong những dịp lễ lớn, đồng bào Chăm và cả đồng bào Kinh quanh vùng tề tựu về đây sinh hoạt rất đông vui. Ngoài công trình kiến trúc nghệ thuật mang đậm màu sắc tôn giáo do bàn tay con người sáng tạo nên, Thánh đường còn gắn liền với phong cảnh thiên nhiên. Phía trước là con sông Hậu hiền hòa chở nặng phù sa, bên trái và bên phải thánh đường là những ngôi nhà sàn cao ráo của đồng bào Chăm nằm san sát nhau, phía sau là cánh đồng ruộng trải rộng...Chính những yếu tố đó đã làm tăng thêm vẻ đạp của di tích.

Hàng năm có rất nhiều đoàn khách tham quan về đây chiêm ngưỡng công trình kiến trúc độc đáo và thưởng thức cảnh đẹp thiên nhiên xung quanh thánh đường.