Chùa Ông Bắc

CHÙA ÔNG BẮC

(QUẢNG ĐÔNG TỈNH HỘI QUÁN)

PHƯỜNG MỸ LONG - TP LONG XUYÊN

 

Khánh thờ Bắc Đế

Khánh thờ Bắc Đế

Quảng Đông tỉnh Hội quán, thường gọi là chùa Ông Bắc, Bắc Đế Miếu của người Hoa, là một di tích kiến trúc nghệ thuật thuộc phường Mỹ Long.

Hội quán (Quảng Đông tỉnh), là cơ sờ thờ tự của những người Hoa di cư từ Quảng Đông đến sinh cơ lập nghiệp tại đây, cùng nhau đóng góp dựng lên Hội quán để thể hiện tình đoàn kết dân tộc của những người xa quê hương xứ sở, được biểu lộ qua các ngày rằm, trong các cuộc lễ cúng tổ tiên theo đạo Phật, là dịp họ gặp nhau để chia sẻ niềm vui, nỗi buồn và thăm hỏi nhau. Tại đây, đồng bào Hoa có thể sinh hoạt các hội tục cổ truyền sau các nghi thức lễ bái.

Hai câu đối tại cổng chính đã thể hiện rõ ý nghĩa này :

“Tác khách tận đồng hương bạt thiệp châu nhai đôn nghĩa khí,

Cư dân hàm lạc nghiệp kinh dinh đồng trụ dụ tài nguyên”

(Làm khách xứ người cùng một gốc quê hương lặn lội dến sườn núi đỏ bạt ngàn, càng hun đúc nghĩa khí,

Đến ở vùng đất này đều an cư lạc nghiệp, tài nguyên phong phú, làm ăn giàu có)

Ngày nay, mặc dù không còn những hoạt động như lúc mới hình thành Hội quán mà chỉ sinh hoạt như một phủ thờ của những người Hoa tôn sùng tín ngưỡng Ông Bắc Đế.

Quảng Đông tỉnh Hội quán là di sản văn hóa tiêu biểu qua lối kiến trúc nghê thuật khá độc đáo mà hiện nay còn lưu giữ lại tại tỉnh ta. Mặc dù thời gian hơn một thế kỷ, di tích được nhiều lần sửa chữa, nhưng vẫn còn giữ được nguyên trạng, những chất liệu xây dựng cột, kèo, cửa đá…và những di vật quý báu trên một trăm năm tại Hội quán, đó là ba bia ký ghi lại công đức của những người đóng góp xây dựng, sửa chữa trong Hội quán. Các bảng bia này có giá trị cao cho ngành ngôn ngữ học và nghiên cứu Hán Nôm. Các chuông đồng, đỉnh sắt, ba khám thờ (khánh), đặc biệt biển điêu khác cõi tam giới là kiểu dáng kiến trúc thuần túy của dân tộc Hoa.

ba bia ký ghi lại công đức của những người đóng góp xây dựng

Ba bia ký ghi lại công đức của những người đóng góp xây dựng

Quảng Đông tỉnh Hội quán kiến trúc theo dạng chữ quốc, bố cục kiến trúc theo kiểu nhà ở của các vị quan lại thời phong kiến Trung Hoa, thực tế Hội quán được thu hẹp so với tỷ lệ trên diện tích khoảng 400m2, tức là qua cổng thành tam quan cao rộng, một khoảng sân vào đến cửa Hội quán được lắp ráp bằng ba tảng đá hoa cương kết liền mãng tường dày 30cm, bên trên cửa có khác nổi hàng chữ Quảng Đông tỉnh Hội quán bằng chữ Hán, nối liền tiền sảnh và cung thờ Bắc Đế là hai con đường đi song song vào có mái che, ngang qua khoảng rộng giữa sân là các nhà thủy tạ, nếu đúng cung cách của nó thì đây là khu vực giao lưu phong thủy nghỉ mát của các quan khách sau khi đàm đạo tại chung chính (Hội quán dùng làm nơi thờ Bắc Đế). Hai bên nhà thủy tạ ngang qua hành lang là hai cửa vòng tròn hình nguyệt vào Đông lang và Tây lang, nơi làm nhà khói và kho (bên trái Thiên hương, bên phải Sự tế), theo sách xưa thì đây là các phòng riêng của chủ nhân và gia tộc.

Về bố cục và trang trí nội thất, từ cửa bước vào là phần tiền sảnh, nơi đây thờ Bác Hồ, bên vách trái còn ba bia đá, bên hành lang đối diện còn một chuông cổ bằng đồng có đắp nổi chữ Hán rõ nét. Giữa Hội quán là nhà thiên tỉnh thờ tượng Địa Tạng (mới đắp sau này). Phía trước tượng đặt một đỉnh bằng gang có trước giai đoạn trùng tu, khoảng vào năm 1950. Phần chính diện của Hội quán là cung thờ Bắc Đế, hai bên thờ Quan công và Thiên Hậu.

Bên trên khánh thờ Bắc Đế được điêu khác bộ hoa văn vân phụng, hai bên là bộ lưỡng long tranh châu, đường viền ngoài được thễ hiện bộ nho văn ẩn trúc, đường viền bên trong khánh với tượng Bác Đế là bộ hoa văn mẫu đơn phụng. Đặc biệt tượng cốt Bắc Đế cao khoảng 0,7m, tướng ngồi trông oai phong đường bệ, đầu đội mão Bình Thiên Đế Vương, tay bắt ấn, tay cầm đao, chân đạp rắn, chân đạp linh xà.

Hoa văn mẫu đơn phụng

Hoa văn mẫu đơn phụng

Trước khánh thờ Quan Công có đôi long trụ, bên trên khánh là bộ bát tiên kỵ thú và hoa văn nho biến thể, phía dưới lưỡng long tranh châu là bộ mẫu đơn phụng.

Khánh tờ bà Thiên Hậu được thể hiện tương tự và cùng thời với bên khánh thờ Quan Công. Riêng hai tượng hai bên bà Thiên Hậu được biểu hiện tướng mạo của hai tượng cốt Thiên Lý Nhãn và Thuận Phong Nhĩ rất trang nghiêm.

Nhìn chung, màu sắc nội thất được tô điểm rực rỡ nhưng hài hòa, các hoa văn liễn đối, các phong thủy đều được thể hiện bằng những đường nét nghệ thuật điêu khắc đặc sắc, lối chạm trổ điêu khác cổ khá độc đáo.

Quảng Đông tỉnh Hội quán tổ chức lễ cúng vào các ngày rằm, 30 âm lịch hàng tháng, các lễ cúng chính trong năm là rằm tháng giêng, rằm tháng 7 và rằm tháng 10. Đặc biệt ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch cúng vía ông Bắc Đế, ngày 23 tháng 3 âm lịch cúng vía bà Thiên Hậu Thánh Mẫu và ngày 24 tháng 6 cúng Quan Công (Quan Thánh Đế Quân).

Quảng Đông tỉnh Hội quán là một di tích kiến trúc chính thống của dân tộc Hoa, với các di vật cổ có giá trị cao mang đậm tín ngưỡng tâm linh của người Hoa đối với Bắc Đế Chơn Võ được thờ cúng trang nghiêm nơi Hội Quán, tất cả đã hợp thành một hoạt động mang màu sác văn hóa của người Hoa, đã hòa nhập lâu đời vào nền văn hóa Việt Nam.