Đình Thần Đa Phước

ĐÌNH THẦN ĐA PHƯỚC

XÃ ĐA PHƯỚC - HUYỆN AN PHÚ

 

Chính điện - nơi thờ Nguyễn Hữu Cảnh

Chính điện - nơi thờ Nguyễn Hữu Cảnh

Đình Đa Phước thuộc xã Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang. Từ thành phố Long Xuyên du khách theo quốc lộ 91 đến thị xã Châu Đốc. Tại đây qua cầu Cồn Tiên đến ngã ba rẽ phải cách khoảng 700m là đến đình thần

Năm 1832, cư dân người Việt đến vùng đất này lập nghiệp đã dựng nên ngôi đình bằng cây lá. Đến năm 1908, đình thần được Hương cả Lê Hữu Dõng, ông phủ Vương Bửu Ngưu xây cất lại với cột gỗ tròn căm xe, đường kính 4 tấc, tường xây gạch tô hồ vôi dày 2 tấc, mái đình uốn cong lợp ngói ống, còn nguyên trạng đến ngày nay.         

Đình chia thành 3 gian, 2 chái trước chánh điện là nhà văn và nhà võ khá thoáng phục vụ cho lễ hội hằng năm với số người tham dự đông đảo. Chính điện có 4 hàng cột ngang. Các thanh xiên, vĩ kèo cùng 4 cột tứ trụ đỡ nóc cổ lầu, mái ngói tam cấp. Các vĩ kèo và cột chống đều được bàn tay nghệ nhân chạm trổ hoa văn sắc sảo. Trên nóc đình và nhà văn được tô điểm thêm những tượng khối lưỡng long tranh châu, bát tiên, âm dương, hoa lá, điểu thú…là biểu tượng cho sự sung túc, hạnh phúc, an khang.

Đặc trưng của kiến trúc đình Đa Phước là các vì kèo tựa đầu cột, mỗi thanh kèo được bào gọt đầu nhỏ phần gốc và to dần đến đầu dư vừa chịu lực tốt, vừa để trang trí các hoa văn. Các chân cột đều được đặt nằm trên chân táng đá cao 1m có để hình bát giác đầu chân cột đắp nổi hình hoa sen nở để bảo vệ cột đình vào mùa nước lũ hàng năm.

Nơi thờ Chủ Tịch Hồ Chí Minh

Nơi thờ Chủ Tịch Hồ Chí Minh

Nội thất đình với 17 bao lam, 28 liễn đối và 35 bức hoành phi được chạm khắc tinh vi, đạt tính nghệ thuật cao với các đề tài hoa lá, rồng mây, muôn cầm, điểu thú, tứ linh, bát tiên, cá hóa long…chuyển tải ý nghĩa cầu cho quốc thái dân an, phong hòa vũ thuận, dân an vật thịnh và ca ngợi công đức tôn thần. Tất cả đều được sơn son thếp vàng, mang vẻ trang nghiêm, hoa mỹ và hoành tráng, tao nhã. Ngoài ra, đình còn lưu giữ những tủ, bàn ghi thờ cẩn ốc xa cừ với nhiều đề tài đặc sắc về truyện tích xưa và 1 mõ gỗ lớn hình khối tròn, 1 trống cái, các đồ thờ như bộ lỗ bộ, chưng đèn, đĩa quả và một long đình chạm trổ tinh vi có giá trị nghệ thuật cao và lâu đời.

Đình thờ Chưởng cơ Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, người có công khai mở và giữ gìn vùng đất An Giang.

Bộ Văn hóa đã công nhận đình là di tích kiến trúc nghệ thuật vào năm 1999.