Chùa Hòa Thạnh

CHÙA HÒA THẠNH
(HÒA THẠNH CỔ TỰ)

XÃ NHƠN HƯNG - HUYỆN TỊNH BIÊN

 

Tổng quan chùa Hòa Thạnh

Chùa Hòa Thạnh nhân dân địa phương còn gọi là chùa Cây Mít. Từ Long Xuyên du khách đi đường Châu Đốc tới huyện Tịnh Biên khoảng 70km, tại Nhà Bàng rẻ phải qua khỏi Ủy ban nhân dân xã Nhơn Hưng 3km là đến địa điểm di tích.

Điều rất thú vị khi đến tham quan di tích, du khách cảm nhận được tâm hồn thanh thản trước cảnh thiên nhiên êm ả, hữu tình. Sân chùa rộng, vường cây tỏa đầy bóng mát, từ ngoại cảnh đến bày trí nội thất được liên kết chặt chẽ, tạo nên không gian tĩnh mịch và thơ mộng.

Về giá trị nghệ thuật, có thể nói rằng chùa Hòa Thạnh chứa đựng một kho tàng văn hóa lịch sử nghệ thuật của địa phương. Tổng diện tích xây dựng chùa khoảng 500m2 , kiến trúc gồm 4 bộ nóc, cột gỗ tròn, vách xây hồ vôi ô dưới trộn đá trứng. Phần nghệ thuật chùa nổi bật là các tượng thờ hầu hết đều bằng gỗ mít. Do nghệ nhân tại địa phương đã khéo tay tạc 19 loại tượng cao từ 0,4m đến 1,4m gồm: tượng Thích Ca, Di Đà, Hộ Pháp, Diêm Vương, Địa tạng, Nam tào, Bắc Đẩu...Mỗi tượng đều được thể hiện kỹ thuật tạo hình khá chính xác theo từng khuôn mẫu, tướng mạo trang nghiêm, y trang tươm tất. Từ các chi tiết tay cầm bửu bối, đầu đội mão, dáng đứng trên bục hoặc ngồi cỡi thú, đề thính hay tòa sen...Tất cả các tượng đều được phác họa và thể hiện rất chuẩn mực, đường nét sắc sảo, đặc biệt là sự phân bố hiện tượng rất cân đối, càng trông càng hấp dẫn hơn với màu sắc sơn son thếp vàng rực rỡ, làm nổi bật nét đẹp thẩm mỹ tuyệt vời.

Chánh điện thờ Phật

Về giá trị lịch sử, vào nửa đầu thế kỷ XX này, chùa Hòa Thạnh được xây dựng giữa một vùng nông thôn sâu hẻo lánh của xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên, thời điểm này Pháp đã hoàn chỉnh bộ máy đô hộ đất nước ta. Dưới chế độ thực dân phong kiến nên họ thực hiện ách thống trị kềm kẹp rất gắt gao đối với mọi hoạt động của nhân dân. Qua đó, Pháp đưa nhiều tên tay sai, mật thám săn lùng các dấu vết của các chí sĩ cách mạng, nhà nho yêu nước và thẳng tay đàn áp, tiêu diệt các cuộc khởi nghĩa của nhân dân. Vào những năm đầu thập niên 20 của thế kỷ XX này, thân sinh của Hồ Chủ tịch là cụ Nguyễn Sinh Sắc đã về đây để truyền bá tư tưởng yêu nước, đặc biệt là từ năm 1921 đến 1923, cụ đi lại và ở nhiều nơi như: Chùa Hòa Thạnh (huyện Tịnh Biên), chùa Giồng Thành (huyện T6an Châu cũ, nay là Phú Tân), chùa Trắng (huyện An Phú)...trên cơ sở đó mà người dân tại các địa phương này tiếp thu được tinh thần yêu nước, thương dân, lòng căm thù giặc sâu sắc. Chính nền tảng tư tưởng đó mà tổ chức Đảng sau này hạot động và các phong trào đều phát triển mạnh mẽ.

 

Tổng quan chùa Hòa Thạnh

Suốt chín năm kháng chiến chống Pháp, chùa Hòa Thạnh là cơ sở vững chắc của cách mạng. Bộ đội Trần Thắng đã đóng quân ở đây và xây dựng cơ sở chế tạo vũ khí đánh đuổi giặc thời chống Mỹ, chùa Hòa Thạnh có hầm bí mật che giấu cán bộ, tổ chức nhiều hoạt động rất phong phú, đa dạng. Chiến tranh biên giới Tây Nam, địa bàn chùa Hòa Thạnh và cả tuyến xã Nhơn Hưng là thành trì vững chắc đánh bật các loạt tấn công của bọn Pôn-Pốt từ biên giới Campuchia tràn sang, giữ vững biên giới An Giang.

Chùa Hòa Thạnh là một công trình văn hóa của người dân An Giang, di tích đã ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử vẻ vang trong chiến đấu xây dựng bảo vệ quê hương.

Bia công nhận di tích chùa Hòa Thạnh