Đình Bình Mỹ

ĐÌNH BÌNH MỸ

XÃ BÌNH MỸ - HUYỆN CHÂU PHÚ

 

Cổng đình thần

Cổng đình thần

Là một công trình kiến trúc cổ triều Nguyễn gắn liền với quá trình khai hoang lập ấp của cư dân Nam bộ. Đây là di tích có nhiều tiêu bản điêu khác gỗ, tranh sơn thủy, phù điêu đắp nổi chất liệu hồ vôi do nghệ nhân địa phương thể hiện.

Ngôi đình cơ sở tín ngưỡng dân gian thờ thần Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh.

Sau khi lập thôn Long Mỹ năm 1786 vì nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng, ông Nguyễn Đức Duy cho dựng đình bằng vật liệu cây lá đơn sơ thờ Nguyễn Hữu Cảnh tại vàm rạch Trà Vơ, rồi thành lập Ban hội tề mười hai người để điều hành việc xóm làng, chăm lo lễ cúng đình hàng năm.

Năm 1817, đình bị cháy và được dựng lên tại Vàm Rạch Xẻo Sâu, vật liệu bằng gỗ rừng, vách lá, mái tranh, và được gắn bảng tên đình Bình Mỹ.

Sau khi bị cháy lần 2, đình được dựng lần thứ 3 vào năm 1890 tại nhánh bờ sông Hậu dọc kinh tắt Hóa Cù. Đình được vua Khải Định năm thứ 9 (1924) phong sắc Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh. Ngày 18 tháng 2 năm 2000, đình được Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ra quyết định số 285 xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh.

Bàn thờ ở chánh điện

Bàn thờ ở chánh điện

 

Kiến trúc

Các công trình xây dựng gồm: ngôi đình 734,69m2, nhà khói và các nhà vệ sinh, cổng rào bao bọc khuôn viên chiếm tổng diện tích trên 2.000m2.

Ngôi đình thể hiện lối kiến trúc cổ xưa với kiểu dáng cổ lầu tam cấp mái, nền đình là điểm tựa cho bộ cột gõ căm xe gồm 40 cây bề hoành 1,15m, chia thành bốn hàng cột dọc kết hợp với hai mảng vách hông tạo nên ba gian hai chái.

Nghệ thuật

Nghệ thuật đình Bình Mỹ thể hiện rõ trong kết cấu kiến trúc, cấu kiện các loại chất liệu và các chạm trổ điêu khắc gỗ. Ngoài ra còn các kỹ thuật trong trang trí, thể hiện các màu sắc trên hiện vật, đồ vật thờ tự phối hợp hài hòa.

Mỹ thuật tranh sơn thủy của đình rất độc đáo. Có cả trăm bức vẽ trên các viền diêm – mặt dựng nội thất và ngoại thất với nội dung đa dạng và phong phú, đường nét tự nhiên sắc sảo thể hiện các điển tích, cảnh đồng quê. Nghệ thuật điêu khắc gỗ càng độc đáo thể hiện qua những bức chạm nổi, chạm khuyết, chạm trổ sống động với nhiều đề tài như hoa, chim, thú…

Trang trí mỹ thuật nội thất hài hòa thể hiện sự trang nghiêm bởi từng thứ cấp bàn thờ, nghi thờ và các màu sắc chủ đạo sơn son thếp vàng trên các bức chạm “lưỡng long tranh châu”, các đường viền hoa văn dây, lá, tứ linh, bát tiên…

Lễ cúng trong năm:

Hàng năm, Ban quý tế đình tổ chức cúng các lễ tam ngươn, tứ quý. Riêng hai lễ lớn là Kỳ yên vào các ngày 18-19-20 tháng 4 âm lịch và lễ Lạp miếu vào ngày 19-20 tháng Chạp âm lịch.