Bia Thoại Sơn

BIA THOẠI SƠN

THỊ TRẤN NÚI SẬP - HUYỆN THOẠI SƠN

Bia Thoại Sơn

Bia Thoại Sơn

Bia Thoại Sơn là một công trình kiến trúc nghệ thuật mang dấu ấn lịch sử giữa đầu thế kỷ XIX của tỉnh An Giang. Bia được ông Thoại Ngọc Hầu dựng năm 1825 tại chân Núi Sập, huyện Thoại Sơn. Từ Long Xuyên du khách đi theo Hương lộ Long Xuyên- Núi sập khoảng 28km là tới địa điểm di tích.

Đầu thế kỷ XIX, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong quá trình khai phá và phát triển vùng châu thổ sông Cửu Long. Đặc biệt việc đào kinh Thoại hà nối liền rạch Long Xuyên (bấy giờ là Đông Xuyên) thông suốt đến Rạch Giá, tạo nên sự trù phú về nông nghiệp cho khu vực quanh vùng, đường giao thông thuận lợi. Kể từ đó hình thành nên vùng đồng bằng mênh mông bát ngát, dân cư sung túc, ổn định về sinh hoạt, đời sống cho đến ngày hôm nay.

Công trình đầu tiên trong lịch sử này tại An Giang do ông Thoại Ngọc Hầu (tước danh Thoại Ngọc, tên thật Nguyễn Văn Thoại) chủ xướng, khởi công vào mùa xuân năm 1818. Thời gian sau, ông cũng là người tiếp tục đào kinh Vĩnh Tế từ Châu Đốc chạy dọc biên giới Campuchia năm 1919 - 1824. Kinh Thoại Hà đào lớn, chiều ngang 51m, dài gần 32.000 được triều Nguyễn đặt tên là Sông Thoại (Thoại Hà), núi Sập nằm cạnh Thoại Hà cũng được vua đặt tên là Thoại Sơn.

Năm Minh Mạng thứ III (1822) ông Thoại Ngọc hầu soạn một bài văn cho khắc vào bia đá, tấm đá to có bề dày 0,15m, ngang 1,2m, cao 3m được dựng đứng trên chân đế bằng đá, xây vững chắc. Xung quanh viền bia chạm nổi lưỡng long, hoa lá hoa văn khá đẹp. Nội dung bia gồm 629 chữ văn tự Hán nôm nét khắc rất sắc sảo miêu tả cảnh đẹp thiên nhiên, danh lam sơn thủy của vùng núi Sập, đồng thời ghi tạc công khai hoang mở đất, đào kinh được dịch như sau:

"Kể từ trời đất mở mang, thì núi này lâu đời đã có, nhưng núi được đặt tên thực bắt đầu từ nay. Huống chi tên núi được vua đặc biệt ban cho, cây cỏ đều tươi, khói mây đổi sắc; đem so với núi non bình thường thì nó có chỗ khác nhau xa!

Suy ra dấu cũ, núi này xưa thuộc địa phận nước phiên, tục quen gọi là núi Sập. Từ các triều vua trước khai mở cõi Nam, mới cho vào bản đồ. Song cây hoang vẫn còn rậm rạp, làm nơi hang ổ của hưu, nai, nơi thắng tích này đã bị vùi chôn không biết đã bao nhiêu năm vậy.

Mùa thu năm Đinh Sửu (1817) lão thần được vua trao cho ấn phù giữ trấn Vĩnh Thanh. Mùa Xuân năm mậu Dần (1818), vâng chỉ đốc suất đào kinh Đông Xuyên.

Ngày thụ mệnh vua sớm khuya kính sợ, đốn cây rậm, bới bùn lầy, đào kinh dài một vạn hai ngàn bốn trăm mười tầm, trải qua một tháng thì xong việc, nghiễm nhiên trở thành một con sông to, luôn luôn ghe thuyền qua lại tiện lợi. mà núi ở gần bờ kinh, cao ước trên mười trượng, chu vi được hai ngàn bốn trăm bảy mươi tám tầm, sắc biếc dờn dờn, dựng cao sừng sững, sống động như rồng thần giỡn nước, phượng đẹp lượn trên sông, cảm anh tú ấy, há không phải tay thợ tạo chung đúc mà nên sao? Lâu nay trời đất giấu kín, chân người ít tới nơi, nay nhân cớ đào kinh xong mà núi, kinh, đồng được ghi lên họa đồ dâng trình ngự lãm, ấy cũng là ngày kỳ ngộ của núi non vậy!

Lại vâng theo lời dụ của vua, lấy danh tước Thoại Ngọc của lão thần, vì đã coi sóc việc này mà đặt tên là núi Thoại để nêu lên cho tên kinh Đông xuyên, lão thần do tên núi này mà được đội mang một vinh dự ngoài phần mong mỏi.

Trộm nghĩ lão thần vốn người Quảng Nam, thưở nhỏ lánh mình vào Nam, được vào nhung vụ, theo hầu sang vọng các, may được ân tri ngộ, bôn tẩu trên miền thượng đạo, qua lại Xiêm, Lào, Cao Miên được trấn giữ Lạng Sơn, Định Tường khi hai nơi này khuyết chức, lại kính cẩn nhận vua ban ấn bảo hộ nước Phiên, rồi có lệnh giữ trấn Vĩnh Thanh, co tay mà tính trong khoảng trên vài mươi năm gặp gỡ hai triều. Ông nhớ việc vua thì đã hai lần đeo ấn bảo hộ, trải nhiều năm giữ thành Châu Đốc, đào kinh Vĩnh Tế, dẹp nạn khuấy rối của cao Miên. Dù chức vụ bề tôi thô hèn, trải có chút công, nhưng nếu vẫn khư khư theo công danh mà thân thế không như ông khấu (tức khấu Chuẩn đời Tống, Trung Quốc) giữa được khóa then, như ông vũ (tức Vũ hạ) làm yên sông núi thì e những ngày sống dư sau khi về hưu cũng đồng như cỏ cây tàn tạ vậy.

Nào ngờ việc đào kinh lại được vua soi xét, đem tên của lão thần mà đặt tên cho núi. Như thế là núi này tức lão thần mà lão thần tức là núi này; lâu xa vòi vọi, cùng trời đất chẳng tiêu mòn.

Rày về sau, phàm khách thuận dòng mà qua ngang chân núi, chắc không ai không chỉ trỏ chuyện trò lý thú, ngưỡng mộ nhớ nhung đến công đức cần mẫn của vua kinh lý cõi bờ, và sau nữa, bàn tới duyên cớ vì đâu mà núi được ban tên. Vinh thay cho tên ấy! Vinh thay cho núi ấy! Bởi lẽ chẳng những vinh riêng cho núi, mà lão thần rất đỗi vinh ngộ lạ thường.

Kính dựng một miễu thần nơi chân núi, chạm đá làm bia, ghi to hai chữ Thoại Sơn, cùng kể rõ nguyên lai tên núi, ngõ hầu lưu lại đời đời không mất. Khâm sai thống chế án thủ đồn Châu Đốc, lãnh án bảo hộ Cao Miên, gồm quản biên vụ trấn Hà Tiên, gia nhất c6a1p kỷ lục nhất thứ, Thoại Ngọc Hầu dựng bia.

Đốc học thành Gia Định, Cao bá cân nhắc mà viết ra.

"Công bộ thiêm sự, phụng giữ việc tiền lương đồn Châu Đốc, Đoàn hầu sửa lại cho đúng".

Năm 1829, sau khi Thoại Ngọc Hầu mất (mùng 6 tháng 6 năm Kỷ Sửu), người dân Thoại Sơn lập ngôi đình bao bọc tấm bia để thờ cúng hàng năm tưởng nhớ ơn người, vừa che chở nắng mưa cho bia mãi mãi còn nguyên vẹn. Nhờ vậy mà các nhà nghiên cứu đánh giá bia Thoại Sơn là một bia đẹp so với các bia ký khác trong cả nước.

Thoại Ngọc Hầu đã để lại cho chúng ta hôm nay nhiều công trình quý báu như: kinh Vĩnh Tế (dài 91km từ thị xã Châu Đốc đến Hà Tiên), kinh Vĩnh An (dài 17km nối qua sông Tiền và sông Hậu), vào năm 1826 đắp con lộ từ Châu Đốc đến Núi Sam dài 3,5km. Riêng kinh Đông Xuyên được hoàn thành thì sông, núi được đặt tên Thoại Hà, Thoại Sơn là hai địa danh rất đáng tự hào của An Giang hôm nay.