Thới Sơn - Một nông trại Nguyễn

Thới Sơn - Một nông trại
Nguyễn Văn Hầu

TRÍCH TRONG “NỬA THÁNG TRONG MIỀN THẤT SƠN”

 

Qua khỏi Nhà Bàng một chút thì chân núi Két đã hiện ra trước mặt. Tôi nói với anh Khanh:

Chúng ta phải đi bộ một chặng đường, ở đó mới có di tích của người xưa. Anh có lội nổi với chúng tôi không đây?

 

Không nổi cũng gắng mà lội. Hoài bão của tôi trong chuyến đi nầy là tìm học những gì của nước non mình và của nòi giống mình mà bấy lâu nay chưa được học.

Tốt lắm! Con đường đầy lau, sậy trước mặt là lối đi của chúng ta, mời các bạn lên đường!

Trên đường mòn bên chân núi, tôi vừa đi vừa nói chuyện với anh em cho đỡ mỏi chân:

Các anh có lẽ đã cảm thấy cực khi phải bách bộ trên con đường không bằng phẳng, đầy gai gốc và rừng bụi có vẻ hiểm nguy! Nhưng xin các anh hãy lùi về hơn 100 năm trước để tưởng tượng lại cảnh vật của miền rừng núi bao la nầy. Xa xa một vài sóc thổ mà mỗi sóc thì đâu lối năm bảy mái tranh, còn bao nhiêu là rừng. Cọp beo, rắn độc cùng với những muỗi mòng, con ve, con vắt cùng nhau ngự trị như một giang sơn riêng. Vậy mà có người đã dẫn quần chúng vào đây để khai hoang lập ấp. Phải hiểu như vậy để rồi mới thấy những bước đi của chúng ta ngày nay không ăn thua gì và cũng không gian hiểm gì so với những vết chân đầu của người đã đi trước ta!

 

Anh Trình mau miệng:

Những người vào đây khai hoang đầu tiên là ai thế, anh!

Thầy Đoàn Minh Huyên chứ còn ai nữa! Chính Phật Thầy đã thực hiện giáo lý tự tu tự độ để gắng gổ độ tha, cho nên mới hướng dẫn môn đệ khai hoang nhiều chỗ mà trước hết là ở đây.

Ở đây bây giờ mà còn hoang vắng thì ngày xưa chắc nó ghê rợn dường nào?

Thì như tôi đã nói: là giang sơn của ác thú. Thêm vào đó, một nỗi đe dọa khác nữa là phải sống bên cạnh người Miên. Họ không thích sự có mặt của nòi dân khác. Trong mình họ gồng ngải bùa thư, là thù hằn là giận dữ!

*

Anh Khanh hỏi:

Vậy Phật Thầy đã làm cách nào để động viên nhân lực mà làm nổi một việc phi thường?

Với lý thuyết tận thế và giáo lý tứ ân, Phật Thầy đã đưa vào lòng người một niềm tin vô biên. Qua huyền diệu của Đức Phật và khả năng tu tĩnh của con người, người tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương không còn biết sợ một thế lực tà mị nào khác. Do đó mà họ rất tích cực với công việc và nhờ vậy thầy Tây An đã thành công một cách không khó khăn lắm.

Có bao nhiêu sở ruộng được khai thác ở đây, anh?

Có hai nơi được cày sạ trong buổi đầu. Đó là Xuân Sơn và Hưng Thới mà bây giờ hợp chung lại, người ta gọi là Thới Sơn.

Anh Ba tài xế ngạc nhiên:

Té ra hai làng Xuân Sơn, Hưng Thới là do Bửu Sơn Kỳ Hương lập nên? Vậy mà tôi cứ ngỡ là công việc khai thác nầy do Tây gần đây!

Phải, Tây đến thì những làng nầy đã có sẵn lâu rồi.

Anh Khanh hỏi tôi:

Chắc thầy Đoàn Minh Huyên phải di dân vào đây đông lắm mới có thể vỡ rừng thành ruộng được chứ.

 

Hàng ngàn tín đồ qua sự hướng dẫn của hai cụ Tăng Chủ, Đình Tây với nhiều canh cụ và trâu bò. Người ta đã dùng phảng để phát tranh cỏ lau sậy và dùng rìu búa để đốn hạ các cây to rồi nổi lửa thiêu hủy các thứ ấy. Sau đó mới dùng đến trâu bò để cày đất.

Khí cụ thô sơ như vậy mà khai mở đựơc đất đai mênh mông để sản xuất được hoa màu, công việc của người xưa nghĩ thật là gian khổ!

 

Không chỉ gian khổ với công việc mà thôi, người ta còn phải chịu đựng gian khổ với thiên nhiên, với thú rừng, với bệnh tật và cả với đồng loại nữa! Những câu chuyện mắc thư, bị thuốc, thù oán nhau vì ranh đất, nền nhà, tuy có vẻ quái đản, nhưng đã cáo giác cho người đời sau biết được cái gian nan của người đời trước.

*

Hai nhân vật mà anh vừa nhắc đến tên, là ai vậy anh?

Đó là hai đệ tử của Phật Thầy Tây An. Cụ Đình Tây tên thật Bùi Văn Tây; còn Cụ Tăng Chủ tức Bùi Văn Thân,cũng gọi là Bùi Thiền Sư. Chính hai cụ đã góp tay đắc lực cho Phật Thầy trong việc mở ruộng và lập làng ở vùng nầy.

 

Hai cụ có đức lớn, đạo pháp uyên thâm, võ dũng phi thường nên rất được dân tùng phục. Những nông trại tại Hưng Thới, Phước Điền, Xuân Sơn đều do hai cụ thừa lịnh Phật Thầy mà dựng lên.

Những người dân lam lũ chất phác, cần phải được sự hướng dẫn chân chính; chính cụ Tăng Chủ và cụ Đình Tây là những người có  đủ tác phong đạo đức để làm nên chuyện đó. Ban ngày tín đồ đi khai hoang, đêm về thì lễ bái, niệm Phật, tham thiền và lĩnh hội những lời hay ý đẹp của các cụ. Những ngày sóc vọng, các cụ thuyết pháp giảng kinh. Người ta thấy nếp sống gần với thiên nhiên nầy rất thi vị và thoát tục, nên vui lòng theo đuổi mãi công việc.

 

Chúng tôi vừa đi vừa nói chuyện, mặc dù đường đất gồ ghề và quanh co, nhưng không bao lâu đã đến nơi. Một ngôi chùa ngói với mấy dãy nhà ngang hiện ra dưới những tàn cây rậm. Một cụ già râu tóc bạc phơ, mặc áo nâu sồng, có lẽ nghe thấy tiếng động nên từ trong cửa bước ra, cụ cúi chào chúng tôi rồi hướng dẫn tất cả vào chùa.

*

Hỏi ra mới biết cụ già tiếp đón chúng tôi là Trưởng ban Quản tự của nhà chùa. Nhiệm vụ cụ như một nhà sư trụ trì của các chùa Phật khác. Theo tinh thần vô vi và nhập thế ,người tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương dù xuất gia cũng vẫn phục sức như tín đồ thường và tự làm lấy để sống mà tu. Cụ hướng dẫn chúng tôi đi xem khắp chùa rồi mới trở về hậu đường dùng nước, nói chuyện. Chùa không có lấy một pho tượng Phật. Ngay đại điện cũng chỉ thờ một khung vải gọi là “Trần Điều” mà thôi.

 

Cụ giảng:

Nơi nầy xưa kia là trai ruộng của Đức Thầy Tây An. Ngài di dân đến đây  vào khoảng năm Tân Hợi (1851) để vừa mở cơ hoằng Pháp, vừa khai thác rừng hoang. Hồi đó cọp beo dữ lắm, mà đường sá không có. Đi từ Châu Đốc vô núi Sam mà còn chịu nằm đường, đừng nói chi tới đây.

 

Anh Trình chận lại, hỏi:

Thưa bác, xin bác dạy cho thế nào là nằm đường?

Nằm đường là phải ngủ đêm dọc đường, không đi kịp trong một ngày để tới nơi mình muốn tới.

Từ Châu Đốc vô núi Sam chỉ 5 cây số mà còn phải nằm đường! Như vậy thì từ núi Sam mà vào đây, chắc phải mất hai, ba ngày, để mới đi nốt một con đường dài hằng trên mười cây số?

Đúng. Vì người bộ hành phải lội càn trong lau sậy, thêm đường lối quanh co, lạc một cái là mất mạng với thú dữ!

 

Thú dữ thường hoành hành như vậy, người ta làm sao sống yên được để làm ăn và tu niệm, thưa bác?

 

Ban ngày thì làm việc tập thể, không đi lẻ loi một mình ở những nơi có bụi rậm, còn ban đêm thì đóng kín cửa và ngủ trên gác cao, không đi ra ngoài.

 

Không ai có cách để trị được chúng sao, bác?

Cọp có dữ thì cũng có người tài để đánh ngã được cọp chớ chẳng không. Ông Tăng Chủ Bùi Thiền Sư (tức cụ Bùi Văn Thân) hạ được mãnh hổ để giữ yên trại ruộng là chuyện thường.

Ông nội tôi là người cùng thời với ông Tăng, từng sống chết với cuộc đất nầy, đã thuật lại rằng ông Tăng võ nghệ rất giỏi, hình vóc cao lớn, miệng rộng tai dài, bàn tay buông xuống chí mày đầu gối, chân tay mọc lông dầy bịt, tiếng nói sang sảng như sấm mà tâm tính hồn nhiên, quả quyết. Ông đã là chúa tể của chúa sơn lâm ở đây một thời.

Xin bác vui lòng kể cho một vài trường hợp về tài áp phục thú dữ của Bùi Thiền Sư.

Một lần cọp về xóm vào chập tối, người ta rút lên trên gác đóng cửa kín mít, đánh mõ tre báo động vang trời. Ông Tăng một mình cầm mác thong trèo xuống thang rượt cọp. Dưới ánh trăng mờ, cọp nhào tới phủ lên mình ông Tăng. Ông lẹ làng ngồi xuống, một tay dựng đứng mác thong lên, một tay thủ thế chờ cọp rơi xuống. Cọp hoảng hốt khi gặp toạ bộ của ông Tăng cùng ánh sáng lấp lánh của ngọn mác thong, liền né sang một bên. Trong lúc cọp mất thăng bằng chao mình trên lưng chừng, thì ông Tăng đấm lẹ vào hông nó một quả đấm thôi sơn và thuận chân bồi thêm vào hạ bộ nó một miếng đá nặng đòn. Cọp róng lên một tiếng vang rừng rồi ngã lăn bất tỉnh.

 

Ông Tăng không giết cọp, bước tới vực nó dậy, miệng lẩm bẩm:

Tao tha cho , từ nay phải bỏ tánh ngang tàng, đừng tới đây nữa mà mất mạng!

Cọp gầm mặt xuống đất, kéo la lết cái chân què vào rừng và từ đó không dám bén mảng đến xóm nữa.

 

Dưỡng hổ di họa, sao cụ Tăng không giết phứt nó đi cho mọi người nhẹ lo, bác?

Ông không muốn sát sanh mà chỉ muốn tâm phục bọn thú dữ đó.

Nhưng làm sao mà tâm phục được ác tính của chúng một khi chúng đói khát?

Vậy mà ông Tăng làm được mới phi thường chớ! Việc đánh cọp vừa nói không chỉ một lần mà cả năm ba lần như vậy. Mà lần nào ông cũng tha chúng. Riết rồi con nào con nấy cũng chạy mặt lùi xa! Có lúc chúng bị nạn, còn trở lại cầu cứu ông Tăng nữa là khác!

Cầu cứu cách nào vậy bác?

 

Ở tại đình Xuân Sơn, cách đây chừng 800 thước, một hôm ông Tăng đi thăm ruộng về thì trời tối. Khi đến gần cửa, ông trông thấy bóng một con cọp nằm lù lù bên mé đường mòn. Thấy ông, nó đứng dậy hả miệng, quào cổ rồi cúi đầu tỏ vẻ đau đớn lắm.

 

Ông Tăng hiểu ý nó, bảo:

Mắc xương rồi đó chớ gì! Sao không tới đây sớm tao cứu cho mà đến nỗi ốm o quá vậy? Thôi, nếu mắc xương thì ngay cổ ra. Con cọp riu ríu vâng lời. Ông Tăng co tay ấn vào cổ nó một cái. Lập tức nó sặc lên mấy tiếng rồi khạc ra một thỏi xương lớn. Vài hôm sau, cọp cõng tới trước sân trại ruộng ông Tăng một con heo rừng vừa quật chết để đền ơn cứu mạng.

Ngừng một chút, cụ Quản tự nói tiếp:

Đó là việc xảy ra ngày xưa, chớ ngày nay thì chẳng còn gì. Xưa nổ lực bao nhiêu thì giờ hưởng thụ bấy nhiêu. Ngày nay dân cư đông đảo, ai nấy đều có nhà cửa khang trang, những trại ruộng ngày xưa bây giờ trở thành những chùa am đồ sộ.

*

Cơm dọn lên, cụ Quản tự mời chúng tôi. Trên mâm chỉ một chén nước tương, một dĩa muối sả và một tô canh xà lách son mà chúng tôi bắt đầu một cách ngon lành còn hơn những bữa ăn thịnh soạn khác.

 

Cụ Quản tự nói với chúng tôi:

Các ông cứ thành thật ăn no, cơm Phật mà! Thập phương đem cúng rồi thập phương tới ăn, không một ai dùng làm của riêng, vì vậy mà ăn hoài không hết!

 

Nâng  bát cơm gạo nàng tri đỏ ối, ngào ngạt mùi thơm, anh Khanh vô cùng khoái khẩu với món ớt hiểm mẳn dầm nước tương, nên ăn mãi không muốn thôi. Tôi thì lạ miệng nhất món xà lách son. Giòn giòn, thơm thơm mùi thuốc bắc và có hậu ngọt khi nuốt khỏi cổ.

Trong bữa cơm, anh Trình bàn tới chương trình thăm viếng vùng nầy. Cụ Quản tự vui vẻ nhận làm hướng đạo và cho biết buổi chiều cụ sẽ đưa chúng tôi đi thăm Phước Điền Tự, viếng mộ hai cụ Tăng Chủ, Đình Tây, đến đình Xuân Sơn và sau hết trèo lên núi Két.

Anh Trình thích quá, hỏi vồn vã, còn các anh Khanh, Hà thay phiên nhau cười nói không ngớt làm cụ Quản tự phát mệt.

*

Trời chinh bóng thì cụ Quản tự đã đánh thức chúng tôi dậy để đi thăm giáp chỗ cho kịp nội buổi chiều. Cụ mặc quần màu củ nâu, áo lá ngắn có túi rộng may bằng vải trắng, chân giẫm đất, tay cầm gậy, đầu đội nón to vành, dẫn đường cho chúng tôi.

 

Trên đường đất vắng vẻ, xa xa một ít nóc nhà, chúng tôi lầm lũi đi.

Cách Thới Sơn Tự chừng vài ngàn thước là Phước Điền Tự, một nông trại lớn nhất ở vùng nầy thời trước. Cụ Quản tự chỉ về phía trước và cho chúng tôi biết Phước Điền Tự đã đến rồi.

Tôi ngẩng nhìn hai cây trụ đứng ở cổng ngõ nhẩm đọc đôi câu đối:

Nhất trần bất nhiễm Bồ Đề địa

Vạn thiện đồng qui Bát Nhã môn

Lòng tôi lâng lâng thanh thoát như được vẳng nghe tiếng chuông huyền diệu ngân nga trong giữa đêm trường. Có phải một mảy bụi trần khó mà ô nhiễm được đất nầy chăng? Có phải muôn vàn điều thiện đều cùng nhau xua lùa đến nơi cõi Tiên, cảnh Phật? Người ta chỉ tưởng tượng thôi hay là thực tế đã đúng như vậy? Điều đó tôi thấy không cần chẻ tóc làm tư để biết. Có điều đáng biết là ở đây nếp sống của con người thanh lặng giản đơn, xa hẳn các xa hoa phù phiếm mà chỉ vui với niềm vui thoát tục. Người ta đã quên mất hoặc cố ý mà quên mất những tranh đấu giựt giành để chung lưng nhau thi hành việc thiện.

 

Tôi hỏi cụ Quản tự:

Thưa bác, đôi câu đố nầy do ai viết mà đạo vị thâm trầm như thế?

Đã có từ ngày trại ruộng mới  được dựng lên, do đức Phật Thầy đọc cho các môn đệ của ngài viết.

 

Chúng tôi vào Phước Điền Tự được người trong chùa tiếp đãi trọng hậu. Người ta hái mảng cầu, vú sữa cho chúng tôi ăn và chặt hàng buồng dừa tươi để lấy nước mời chúng tôi uống.

Không khí u tịch ở trong chùa làm chúng tôi không một ai nói lớn tiếng. Cụ Quản tự dẫn chúng tôi đi một vòng trong nội điện rồi đưa ra ngoài đến một gốc cổ thụ ở cạnh chùa, nơi một khoảng đất trống bằng phẳng, cụ trỏ tay nói:

 

Đây là di tích của ông Sấm ông Sét mà không một ai được tạo tác hoặc làm bất cứ một điều gì ô uế trên đó!

 

Tôi ngạc nhiên:

Ông Sấm ông Sét là ai vậy, kính thưa bác?

Cụ Quản tự hạ thấp giọng:

Là một đôi trâu của Phật Thầy ấy mà! Trâu đã có công lớn trong việc vận tải và khai thác vùng nầy.

 

Hồi Phật Thầy tịch, đôi trâu nầy vẫn chưa già, nhưng người ta quá ngưỡng mộ ngài và nhớ ơn trâu nên không bắt làm những việc nặng nề nữa. Cho đến khi trâu già, người ta vẫn nuôi hoài, rồi khi chết, đem chôn cất cẩn thận tại đây và xưng gọi như thế để tỏ lòng ghi nhớ.

 

Anh Khanh xoay nhìn tôi, nói:

Thế mới biết tình cảm và nghĩa nhân của người mình quả là rất hậu! Một di vật của người quá cố mà còn tôn trọng như vậy, huống hồ gì đối với người ấy!

Tôi nói với Khanh:

Người ta biết quí dĩ vãng thì mới nhìn xa được tương lai. Tôi cho rằng người nào dễ dàng đoạn tuyệt dĩ vãng thì khó mà phong phú ở tương lai và không dễ gì vững chắc trong hiện tại. Nhờ những tình cảm sâu dày tương tự như trường hợp ta vừa nghe thấy đó mà dân ta, nhất là người miền quê, vẫn còn bảo tồn được nếp sống cũ, một nếp sống rất dân tộc mà Trần Trọng Kim hằng ca ngợi là “tình cảm hậu”.

*

Rời Phước Điền Tự, chúng tôi đến Xuân Sơn. Xuân Sơn cách Thới Sơn khoảng non 1000 thước nhưng phải rẽ sang một nẻo khác. Ánh xế của mặt trời chiếu xuống thân người làm kéo dài chiếc bóng trên mặt đất độ bằng hai người thật thì chúng tôi tới Xuân Sơn. Ở đây là một ngôi chùa do cụ Tăng Chủ và Đình Tây dựng lên để tu.Nhưng sau khi hai cụ viên tịch, người ta đổi lại thành đình. Tuy vậy trong đình ngày nay vẫn còn có một toà thờ Phật.

 

Đình tuy rộng rãi nhưng trang trí giản dị đơn sơ, cũng không thấy có di tích gì đặc biệt. Bên cạnh đình là nơi gởi xương của hai cụ Tăng Chủ và Đình Tây mà chúng tôi được cụ Quản tự dẫn tới. Mấy ngôi mộ phẳng lì nằm dưới lùm cỏ úa, vài tấm bia chữ còn đậm bên những đóm rêu xanh. Cụ Quản tự trỏ tay về phía trước, nói:

 

Trong ba ngôi mộ nầy, có hai ngôi của ông Tăng và ông Đình. Đây, ông nào coi được chữ nho thì đọc các bài bia cho biết!

Tôi phủi làn rêu lổ đổ trên mặt bia. Những hàng  chữ Đại Nam Quốc, An Giang tỉnh… nguyên Bùi huý Tây… hiện rõ lên, làm tôi sực nghĩ ngay đến ông Năm Chèo mà từ lâu rồi, tôi đã từng nghe chuyện ấy với người nầy gắn liền nhau như hình với bóng. Tôi quay lại hỏi cụ Quản tự:

Thưa bác, có phải cụ Bùi nầy là người có phận sự bắt ông Năm Chèo theo như tương truyền đó không bác?

Đúng như vậy.

 

Xin bác vui lòng kể rõ để chúng tôi được học những cái lạ. Từ lâu, ở khắp miền Hậu Giang, không ai mà không nghe danh cụ Đình Tây với ông Năm Chèo, nhưng thật ra thì ít ai biết rõ.

Thôi, chúng ta hãy đi kẻo trễ giờ trèo núi. Trời bây giờ dịu rồi. Tôi sẽ kể cho các ông nghe đây.

Chúng tôi tất cả có năm người, lịch kịch bách bộ theo chân cụ Quản tự. Người nào người nấy đều có vẻ mỏi mệt, trong khi cụ Quản tự coi khỏe khoắn như không. Cụ vừa đi vừa kể chuyện.

 

Theo những người lớp trước nói lại, thì khi thầy Tây An còn tại thế, ông Đình Tây là người thường hầu hạ bên ngài. Một bữa Phật Thầy vì lòng hiếu sinh, đã sai ông Đình xuống Láng để đỡ đẻ cho một người sản phụ trong khi người ấy chỉ ở một mình trong căn chòi giữa đồng.

Khi công việc vừa xong, thì chồng của sản phụ cũng vừa về tới. Anh tên là Xinh, sống bằng nghề săn rùa bắt rắn. Được biết ông Đình giúp đỡ cho gia đình mình như vậy thì lạy mà tạ ơn, đồng thời Xinh biếu ông Đình một con sấu con mà y vừa bắt được trong đêm tối. Ông Đình thấy con sấu dị thường, có năm chân, toàn thân một màu đỏ với những lốm đốm bông hoa, nên chấp nhận và quyết định trả tiền cho Xinh để đem về nuôi chơi.

 

Phật Thầy xem qua con sấu, bảo là quái vật, phải trừ đi kẻo về sau nó gây hoạ lớn. Nhưng ông Đình thương con sấu quá, không đành cho người ta ăn thịt hoặc bỏ đi. Ông nghĩ cách dấu thầy để đem về trại ruộng Xuân Sơn, tức chỗ chúng ta vừa thăm qua, nuôi chơi.

Sấu có sức lớn phi thường, chỉ trong ba năm mà có thể quật ngã được người . Và sau một đêm dông mưa lớn, con sấu năm chân bứt gãy xích sắt mà đi.

 

Ông Đình nhớ lại lời thầy năm trước, sợ hãi về trách nhiệm mình, không rõ rồi nay mai sấu sẽ xuất hiện ở đâu và có gây tai họa gì cho quần chúng không, nên đến chịu tội với đức Tây An. Ngài tỏ ý buồn bã và sau đó trao cho ông Đình một cây mun, một lưỡi câu và hai cây lao, tất cả đều làm bằng sắt và dặn ông Đình cất giữ để dành trừ con quái vật một khi nó xuất hiện.

Thời gian trôi qua, Phật Thầy viên tịch, sự việc vẫn chưa có gì và ông Đình Tây thì vẫn âm thầm lo sợ. Thì bỗng một mùa lụt; sấu trường lên tại Láng Linh. Bây giờ nó lớn quá, rượt bắt thiên hạ làm náo động cả vùng. Người ta đến báo với ông Đình. Ông Đình mang “bửu bối” tới. Nhưng sấu dường như nghe được hơi ông Đình, nên đã biến mất dạng.

Từ đó như cút bắt vậy, hễ ông Đình vắng thì sấu hiện ra, mà khi ông tới, nó không hề dám hành động. Biết như vậy, nên mỗi khi sấu làm sóng dậy miền Láng Linh, thì người ta đồng rập la lên:

 

Bớ ông Đình ơi! Ông Năm chèo dậy!

Mà lạ quá! hễ cứ nghe câu đó thì sấu chạy ngay đuôi, dầu gặp mồi ngon trước mặt nó cũng không dám ở!

Đã nhiều phen lui tới vùng Láng để chực bắt quái vật mà không lần nào gặp nó, ông Đình lần sau chót, kêu nói giữa hư không rằng:

Nếu sấu thần chưa tới số, thì từ nay nên yên lặng, đừng nổi lên phá hoại xóm làng. Còn như mạng căn đã hết, thì hãy sớm chịu oai trời, đừng để phải phiền ta!

 

Sau ngày ấy, sấu đâu mất! Có người nói khi Tây bố binh Gia Nghị , nghĩa quân rút lui nhưng vì lúa dày quá thuyền chống không đi, thì ông Năm Chèo xuất hiện làm lúa rạp một luồng cho thuyền theo đó mà chống. Danh ông Năm Chèo vang dội cũng bằng danh ông Đình Tây, là căn cứ theo truyền thuyết mà tôi kể cho các ông nghe đây.

*

Nghe chuyện ông Năm Chèo vừa dứt thì chúng tôi đã lết được một quãng đến lưng chừng núi. Ai nấy đều thấy thấm mệt, riêng có cụ Quản tự coi mòi khỏe ru. Anh Trình than:

Mệt chết đi mất, xin dừng chân lại thôi: chúng ta không thể theo nổi bác Quản tự đâu!

 

Cụ Quản tự đứng lại vuốt chòm râu bạc, nhìn chúng tôi, cười:

Tại các ông không quen trèo núi, chớ sức của già nầy không hơn gì sức trẻ của các ông đâu! Nhưng mà nầy, phép đi non không được nói mệt. Dầu mệt đến đâu cũng vẫn phải nói khoẻ để mới lấy trớn mà đi nhé!

 

Chúng tôi nhìn nhau, cười tủm tỉm. Ai nấy đều ngầm hiểu lòng tin di đoan quen thuộc đó trong giới bình dân mỗi khi có dịp đăng cao.

Ngồi trên sườn núi nhìn xuống khu Thới Sơn, những cây dừa cao phủ tàn lên trên những cây ổi cây mận dọc theo con đường dài lằng nhằng trong mường tượng một đám rước. Những mẫu ruộng bị bờ đất ngăn cắt từng ô, xa nhìn như những bàn cờ hình chữ nhật. Anh Khanh nói với tôi:

 

Chẳng rõ tại sao thầy Đoàn Minh Huyên lại không khai phá quanh vùng núi Sam mà phải hướng dẫn tín đồ vào tận chốn nầy. Vùng đồng bằng bên cạnh núi Sam lúc đó chắc chắn dư đất, lại nằm sát bờ Hậu Giang, nhiều phù sa, rất phù hợp với việc canh tác. Tôi nghĩ rằng phải có một nguyên cớ sâu xa đó gì chớ chẳng không!

 

Một nguyên cớ mà anh đã biết. Đó là việc nghi kỵ của giới cầm quyền. Tuy họ đã phóng thích Thầy Tây An khỏi Châu Đốc, nhưng lòng nghi kỵ vẫn nặng. Họ chỉ định cho thầy phải vào tu ở Tây An Tự và buộc phải cạo tóc cạo râu. Điều nầy chứng tỏ rằng thầy không được tự do truyền giáo và hành giáo. Đó là một động lực khiến thầy phải mở rộng cơ sở về những nơi hoang tịch. Cho nên không chỉ tại vùng sơn cước Thất Sơn nầy, mà còn một cơ sở khác ở Láng Linh, một nơi xa xôi hoang vắng đầy lau sậy, bảy thưa… mùa khô thì khô cằn như sa mạc, mà mùa lụt thì nước ngập lênh đênh như biển.

 

Đọc lịch sử tôn giáo các nước, chúng ta thấy trường hợp như vậy đã từng xảy ra. Bên Tàu, Pháp sư Đạo An kiên nhẫn truyền giáo. Gặp lúc giặc chòm nổi lên hoài, người ta nghi sợ hậu thuẫn quần chúng của pháp sư, sư phải di tản tín đồ vào rừng hoang tự mở đất làm ruộng để tự tu tự độ, tránh sự dòm ngó của nhà cầm quyền. Giặc lại không để cho yên, pháp sư lại chạy đi khai khẩn chỗ khác. Ở bên Mỹ, nhóm Mormons cũng bị chánh quyền nghi là tà đạo, nên phải rút về phía tây, khai hoang tại Illinois và Lac Sale.

 

Cụ Quản tự giục chúng tôi:

Trời đã chiều, các ông nên cố trèo một chút xíu nữa thì tới, để chúng ta còn trở xuống.

Chúng tôi theo lời cụ Quản tự và ước chừng tàn vài điếu thuốc thì đến sân tiên. Mây trời bây giờ đùn lên trắng xóa với những viền vàng bởi một lớp ráng đỏ ở phương tây. Các ngọn núi Cấm, núi Dài nhấp nhô khoe xanh trước mặt. Chúng tôi hứng lấy gió mát trên non, tha hồ ngắm xem bốn phía.

Xa về gộp đá bên kia, vài ba am tự bỏ hoang có lẽ vì chủ nhân tránh nạn bất an hồi biến động chưa hồi cư. Tuy nhiên hoa cỏ vẫn mướt mơ, mận sai quằn những quả. Năm mười cánh chim về tổ xao xác trên cành. Tôi ngâm vang lên bài Sơn phòng xuân sự của Sầm Tham:

Lương viên nhật mộ loạn phi nha,

Cực mục tiêu điều tam lưỡng gia.

Đình thụ bất tri nhân khứ tận,

Xuân lai hoàn phát cựu thời hoa.

(Vườn Lương chiều tối quạ bay đầy,

Nhà cửa nom còn ít nóc đây

Cây cỏ không hay người bỏ vắng,

Xuân về bông trái vẫn lên đầy).

(Tinh Anh dịch)

*

Tối hôm ấy chúng tôi nghỉ tại Thới Sơn. Vì có lời mời của nhà chùa nhân dịp chúng tôi có mặt, nên bà con trong vùng tụ tới rất đông. Ngoài những câu chuyện trao đổi, tôi được dịp phỏng vấn các bô lão về cuộc kháng chiến của cụ Quản Thành và về cách thức tổ chức của nông trại Láng Linh từ 100 năm trước. Cuộc nói chuyện kéo dài mãi đến khuya mà mọi người chừng như không ai thấy chán.

 

Mặt trăng đêm nay tuy chưa đầy đặn nhưng nhờ trời ít mây mù nên chiếu xuống vằng vặc ngoài sân. Khách đã lui gót từ lâu mà sao tôi vẫn còn thao thức. Bóng lá dừa yểu điệu in xuống mặt sân, thỉnh thoảng có gió đưa ẻo lả từng chặp. Vườn tược, đồng ruộng liền nhau rồi nổng đồi, sỏi đá.

 

Tâm hồn tôi lâng lâng. Trí não tôi vơ vẩn. Khí thiêng sông núi dường như vừa ẩn hiện quanh quất đâu đây. Niềm thương mông lung dào dạt quá. Trong tiếng gió xa xôi đưa lại, có mùi gì như mùi tổ quốc thân yêu. Hồn của Hoàng Hà Dương Tử lẫn trong hồn Bạch Hạt, Vĩnh Yên từ bốn ngàn năm trước đã hòa hợp với hồn của hàng trăm năm qua tại miền nầy mà trào tuôn lênh láng…

 

Một giọt trăng, một bóng lá, một tiếng gió trong đêm nay là mỗi một cái gì gắn bó, cột buộc dính với tâm hồn con người biết quí biết yêu quê hương. Kìa! khúc sông tấc đất, miếng rẫy luống cày. Nó là những gì được pha trộn bằng mồ hôi nước mắt, bằng máu xương của nòi giống tổ tiên. Nên nó thiêng liêng làm sao! Quí báu biết ngần nào!

Vậy bài ca ái quốc có cần phải tìm học nơi đâu để mới hát lên được? Hay là chính nó đã được chép sẵn trong rừng rậm non sâu, trong bờ lau, khóm trúc? Tôi bồi hồi chợt nhớ tới mấy câu thơ của nhà vịnh sử X. Y.

Trầm mặc trong rừng rậm,

Còn tinh thần tre lau.

Ánh vinh quang lẫm lẫm,

Trong mình phải tìm đâu!

 

Những hình ảnh chung quanh mờ dần và những tiếng động cũng bắt đầu nhỏ dần, nhỏ dần để đi vào im bặt trong tiềm thức tôi… Tôi đã ngủ lịm đi từ lúc nào không biết.

*

Từ chân núi Cấm đến chợ Tri Tôn

Trên đường chiều, những cây thốt lốt thẳng ngọn kình thiên ve vẩy mấy chiếc lá tròn như những cây quạt khổng lồ đong đưa trước gió. Khung cảnh nầy làm tôi nhớ đến con đường dẫn vào viện Đại học Nalanda bên Ấn Độ. Cũng đồi núi trập trùng, cũng đường đá thênh thang và nhất là cũng những cây thốt lốt đứng thẳng bên đường nói lên nếp sinh hoạt giữa hai nòi dân cùng một ảnh hưởng văn hoá. Bất giác, tôi nói với anh em:

 

Người Việt ta xa quê thì nhớ bãi tre lau, nhớ tiếng gió nồm nam thổi vào những bãi tre đó rồi phổ nên những vần nam thi tuyệt diệu, hồn nước lâng lâng mà hồn quê thì man mác. Người Tàu lìa xứ, viết thư về nhà hỏi liễu chương đài coi còn xanh không, hỏi xa xôi muôn dặm tử phần, vậy mà cây tử cây phần có sum sê,sung mậu không… Người Nhật ra khỏi nước thì tha thiết nhớ xứ anh đào,trông  sao được chóng trở về để thưởng thức đóa anh đào thơm mùi sữa mẹ… Còn người Miên, khi vì cảnh ngộ phải xa quê, không rõ họ có nhớ những hàng cây thốt lốt ngàn ngày vẫn xanh của họ không?

 

Anh Khanh nhìn tôi, nói:

Có anh gợi ý, tôi mới nhớ ra. Hồi còn học bên Tây, biết bao nhiêu cảnh đẹp, gái tiên, nhưng tôi không sao quên được hàng tre bên bờ lúa của xứ mình. Vậy tôi chắc rằng thấy bóng thốt lốt , người Miên coi như hồn nước của họ phảng phất đâu đây…

 

Anh Hà hỏi anh Ba:

Nghe nói cây thốt lốt sống dai lắm và nguồn lợi của nó cũng khá dồi dào, có phải vậy không?

Tại Đế Thiên, có người đã thấy những gốc thốt lốt sống hàng ngàn năm mà vẫn có trái, còn nguồn lợi của nó thì nhiều, khiến người Miên rất quí.

*

Thốt lốt khi vừa có trái, người ta lấy nước uống tươi, làm đường. Lá thốt lốt lúc còn non thì dùng làm quạt, lúc già xé nhỏ đan đệm, đan hộp, đan thành những chiếc va li. Cuống lá đập nhỏ dùng đánh dây như dây luột. Thân cây thốt lốt có thể bỏ ruột làm ống dẫn thủy nhập điền, hoặc sả làm hai mảnh để làm thành hai chiếc xuồng con. Trong việc làm nhà ở, thốt lốt còn góp phần đặc dụng. Rễ thốt lốt cũng không bỏ, dùng làm chổi rất bền.

 

Công việc lấy nước thốt lốt nhọc nhằn và đôi khi nguy hiểm. Người ta phải trèo tới đọt cây cao hằng 14, 15 thước để đặt ống tre hứng nước thốt lốt. Mỗi ngày đều như vậy, cho nên thỉnh thoảng có người bỏ mạng vì sa tay. Nghề trèo cây thốt lốt là một nghề gian nan mà những kẻ dư dả không ai thích. Ăn cơm dưới đất làm việc trên trời. Cũng chính vì vậy mà trong thời Pháp thuộc, nhà cầm quyền miễn đóng thuế thân cho những ai chuyên leo cây thốt lốt.

Khi mùa thốt lốt đông ken, nước không sao uống hết, thì người ta dùng nó làm đường. Lượt sạch, nấu cho đến sền sệt, hạ lửa, dùng đũa khuấy cho đông đặc rồi đổ vào om. gọi là đường om, hoặc đổ thành từng miếng, gọi là đường sắt.

 

Đường thốt lốt tuy không ngọt bằng đường mía, nhưng thơm ngon hơn đường mía. Nhờ vậy, người Miên bán cho người Việt thứ nầy rất chạy. Trong những ngày tao loạn gắt, đường thốt lốt không dồi dào, người Việt, nhất là những người ở các tỉnh gần biên giới Việt Miên, dù phải mua mắc cũng vẫn cố nài cho được để thưởng thức hương vị thơm tho của nó.

*

Để chứng minh cái ngon lành của thứ đường thốt lốt, anh Ba tiếp:

Hồi đi làm công quả tại chùa Phi Lai ở núi Doi, lúc đó tôi ăn chay, ngày ngày tôi ra chợ Doi mua đường sắt để ăn với cơm. Món ăn thích nhất của tôi là thứ cơm nguội với đường sắt mỗi ngày ba bữa. Mà tôi ăn hằng tháng như vậy chớ phải một, hai bữa gì sao, thế mà vẫn thấy ngon.

 

Nghe nói tới chùa Phi Lai, anh Hà gạn hỏi anh Ba:

Chùa Phi Lai, gần tới chưa, anh?

Đã qua khỏi một đỗi hơi xa.

Chùa ấy ở quãng nào trong vùng Thất Sơn nầy vậy?

Ở vào đoạn đường từ núi Két tới núi Bà Đội. Từ núi Két đi vô, rẽ sang bên trái, đi ngược trở lại sẽ đến chợ Doi và chùa Phi Lai, nằm trên xã Tú Tề.

 

Anh Hà như có ý tiếc:

Hồi còn nhỏ tôi được nghe mẹ tôi nói bà quy y với vị Hoà thượng chùa Phi Lai và cho biết rằng nhà sư ấy về sau bị Tây bắt, chẳng rõ bây giờ ông còn sống không? Phải biết trứơc, tôi đề nghị anh em ghé lại đó một chút!

Đã viên tịch lâu rồi!

Tội nghiệp! Nghe nói ông ấy đức lớn tài cao, nhiều đệ tử. Anh có biết lai lịch của ông không anh Ba?

 

Không. Tôi chỉ biết mặt.

Anh Hà xoay sang tôi:

Chắc anh có thông hiểu về hoạt động của ông ấy?

Nhờ theo dấu cụ Phan Bội Châu trong chuyến Nam hành năm Quí Mão, tôi có biết phần nào về Hoà Thượng Phi Lai.

 

Cụ Phan Bội Châu cũng từng có vào Nam như cụ Cường Để và cụ Phan Chu Trinh sao?

Không những vào Nam mà cụ đã đến tận miền Thất Sơn nầy nữa chớ!

Nhưng cụ có liên quan gì đến công việc của vị sư chùa Phi Lai? …